Trường Đại học TN&MT Hà Nội nói không với thuốc lá
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 22:20, 17/11/2021
Nhà trường niêm yết quy định cấm hút thuốc tại nơi có nhiều người qua lại |
Nhà trường đặt mục tiêu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và các văn bản hướng dẫn để 100% cán bộ, viên chức, người lao động và người học trong Trường hiểu biết về tác hại của thuốc lá và quy định của Luật này.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động phấn đấu đến hết năm 2022 giảm 30% - 50% người hút thuốc từ bỏ sử dụng các sản phẩm thuốc lá; tuyên truyền vận động cán bộ, giảng viên và người học hạn chế hút thuốc lá trong sân trường và tiến đến sân Trường không khói thuốc lá.
Theo Kế hoạch, lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường đã phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể tiếp tục tăng cường quán triệt triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá, Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ và các cơ quan, đơn vị; thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Nhà trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai, thực hiện kế hoạch.
Theo bà Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội, để thực hiện hiệu quả Kế hoạch, Trường đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức. Theo đó, Nhà trường đã truyền thông thường xuyên, mạnh mẽ với những hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền hiệu quả hơn nữa về phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người học trong toàn Nhà trường.
Trường cũng hưởng ứng và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền PCTHTL trong Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25/5 - 31/5); treo pano, áp phích cổ động và các hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể hưởng ứng chủ đề PCTHTL tại các đơn vị.
Bên cạnh đó, Trường chú trọng phát huy vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các Hội khác trong Trường việc vận động cán bộ viên chức, người lao động và người học giảm hút thuốc lá tiến đến không hút thuốc lá; tuyên truyền công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Phó Hiệu trưởng Lê Thị Trinh cho hay, công tác phòng, chống hút thuốc lá trong Nhà trường là tiêu chí đánh giá thi đua của CBVC, người lao động và người học. Các đơn vị trong Nhà trường xây dựng môi trường học đường không khói thuốc lá theo các tiêu chí: Có niêm yết quy định cấm hút thuốc tại nơi có nhiều người qua lại; có biển báo cấm hút thuốc lá khu phòng học, phòng làm việc, các khu vực công cộng; có kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường học không khói thuốc; không có hiện tượng mua, bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá nhận sự hỗ trợ, tài trợ của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất cứ hình thức nào.
|
Cùng với đẩy mạnh truyền thông, thời gian qua, Nhà trường cũng đã thực hiện tích hợp lồng ghép giáo dục cho người học về tác hại của thuốc lá trong các môn học, trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các hoạt động của công đoàn, Đoàn thanh niên. Qua đó, ý thức của người học về tác hại của thuốc lá ngày càng được nâng cao.
Theo bạn Lương Trọng Hưng – sinh viên Khoa Môi trường của Trường Đại học TN&MT Hà Nội, trong một số môn học chuyên ngành, các em được giảng viên lồng ghép kiến thức về tác hại của thuốc lá vào môn học. Là sinh viên của một trong những trường đầu ngành của đất nước về lĩnh vực TN&MT, em Hưng cho rằng, người học cần nhận thức rõ tác hại của thuốc lá đối với môi trường, sức khỏe và kinh tế.
“Việc hút thuốc với sinh viên sẽ tiêu tốn một khoản tiền không hề rẻ, trong khi sinh viên là giới trí thức trẻ được cho là nghèo nhất, vì phần lớn các em cần sự chu cấp từ bố mẹ. Nếu mỗi ngày, các em hút 10 điếu thuốc lá loại bình dân, hàng tháng các em sẽ tiêu khoảng 300 đến 400 ngàn đồng. Con số này sẽ lên đến hơn 500 ngàn đồng/tháng đới với các loại thuốc lá ngoại đắt tiền”, em Hưng chia sẻ kiến thức học được từ giảng viên.
Em Hưng từng là một sinh viên “nghiện” thuốc lá từ thời học THPT, nhờ được gia đình, thầy cô và bạn bè khuyên bảo, cũng như sự nỗ lực của cá nhân nên em đã “đoạn tuyệt” thuốc lá thành công vài tháng nay, từ đó, sức khỏe và chỉ số cân nặng của Hưng được cải thiện đáng kể.
Có thể thấy, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn Trường, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học đã đi sâu vào trong các hoạt động của Nhà trường. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá đã giúp đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động, giảng viên và người học Nhà trường hiểu hơn về tác hại của thuốc lá đối với bản thân, gia đình và xã hội.