"Thức dậy muốn đi làm": 7 quy tắc về cảm xúc nơi công sở
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 21:27, 17/11/2021
Khi tương lai của công việc nằm ở cảm xúc
Ai cũng đã có những ngày thức dậy uể oải và chán nản với suy nghĩ “lại phải đi làm”. Mỗi chúng ta khi bước đến công sở luôn phải mang chiếc mặt nạ “hoàn hảo” bởi một quan điểm lệch lạc - “Đừng đem cảm xúc vào chốn công sở”. Bởi vậy, khi đi làm, chúng ta được dạy nhiều kỹ năng như: đánh máy, thuyết trình… nhưng ít có công ty nào đào tạo nhân viên quản lý cảm xúc của mình một cách hiệu quả, bởi hầu hết mọi người đều chưa ý thức được tầm quan trọng của nó.
Thế nhưng, trong hầu hết các môi trường công sở trên thế giới đều đang trải qua hai thay đổi lớn, đòi hỏi một sự thấu hiểu cảm xúc sâu sắc trong môi trường làm việc: Một là mức độ tương tác giữa nhân viên và nhân viên - còn gọi là khả năng làm việc nhóm, và hai là mối liên hệ giữa nhân viên và công việc. Khi mà chúng ta làm việc nhiều hơn bao giờ hết và mặc định để công việc định nghĩa mình là ai, thì mọi khía cạnh của đời sống cá nhân sẽ đều bị ảnh hưởng đáng kể, từ sức khỏe, gia đình, cho đến việc tự đưa ra quyết định của mỗi người.
Thực tế đã có nhiều công ty ý thức được tầm quan trọng của cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên mà Google cung cấp cho nhân viên rất nhiều đặc quyền, bao gồm các bữa ăn, phúc lợi chăm sóc sức khỏe và nha khoa miễn phí, trợ cấp đi lại, phòng ngủ trưa, các khu giải trí và nhiều thứ khác. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, Google vẫn duy trì vị trí “người khổng lồ công nghệ” với năng suất và sáng tạo ít doanh nghiệp nào bì kịp.
Hay như năm 2001, khi Best Buy áp dụng chương trình thử nghiệm cho 300 nhân viên tùy ý lựa chọn giờ làm việc trong số các khung thời gian cho sẵn, họ nhận thấy không những tỷ lệ rời bỏ tổ chức giảm đáng kể mà hiệu suất công việc của các nhân viên cũng tăng vượt bậc.
Với tầm quan trọng như vậy, cảm xúc nơi công sở nên được nhìn nhận và đối xử bằng sự quan tâm, trìu mến bởi suy cho cùng chúng ta là con người, đều có cảm xúc và mang chúng tới công sở mỗi ngày.
Để quản lý nó hiệu quả, sau nhiều năm nghiên cứu và thông qua kinh nghiệm “đau thương” của bản thân, Liz cùng Mollie đã cho ra đời cuốn sách “Thức dậy muốn đi làm”, đem đến 7 quy tắc mới về cảm xúc nơi công sở, cùng những ví dụ cụ thể và bài khảo sát để hướng dẫn độc giả cách thức nắm bắt, xử lý những vấn đề liên quan đến cảm xúc ở chốn công sở.
Không chỉ là liều thuốc chữa lành cho các nhân viên đang chán nản, bất an trên hành trình tìm kiếm đam mê trong công việc, mà “Thức dậy muốn đi làm” còn là cuốn cẩm nang giúp cho các nhà quản lý tìm thấy giải pháp cho việc xây dựng văn hóa công ty thành công.
7 quy tắc giải mã cảm xúc để đi làm như đi chơi
Không hề cường điệu khi nói rằng sự thành công của bạn phụ thuộc vào cách bạn thả cảm xúc vào nơi làm việc mà không để chúng vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Việc xử lý cảm xúc hiệu quả đem đến sức mạnh để bạn làm được nhiều hơn cả việc thể hiện trọn vẹn con người mình tại công sở: nó cho phép bạn thể hiện phiên bản tốt nhất của bản thân”, các tác giả khẳng định.
Ở mỗi chương sách, chúng ta nhận diện được những ảnh hưởng của cảm xúc lên từng yếu tố trong bảy khía cạnh trung tâm của công việc, gồm: sức khỏe, động lực, quyết sách, đội ngũ, giao tiếp, văn hóa và thuật lãnh đạo. Từ đó, bản thân có thể tiến hành từng thay đổi nhỏ, thiết thực để tìm thấy ý nghĩa và niềm đam mê trong công việc.
“Thức dậy muốn đi làm” bắt đầu với những bàn luận về ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu bạn cứ liên tục kìm nén cảm xúc của mình. Khi gắn bó quá mức với công việc, ôm đồm nhiều thứ nhưng lại xem nhẹ cảm xúc của mình, sớm muộn bạn cũng sẽ rơi vào căng thẳng, thậm chí là chứng lo âu dẫn tới liệt hoàn toàn cơ mặt một bên như tác giả Mollie từng trải qua.
Khoa học lý giải rằng căng thẳng khiến nhịp tim và nhịp thở của bạn tăng vọt, đồng thời khiến hệ tiêu hóa, sinh trưởng và sinh sản của bạn chậm lại. Muốn để cuộc sống nơi công sở vẫn lành mạnh thì bạn phải học cách bớt mê đắm công việc, yêu bản thân mình hơn, và đặc biệt là không ngừng nâng niu, trân trọng cảm xúc của mình, dù cho đó là niềm hạnh phúc, hân hoan hay là sự cáu bẳn, cơn giận dữ.
Những nghiên cứu đã cho thấy 85% nhân viên văn phòng đều thừa nhận cảm thấy khó khăn khi tìm động lực để vui vẻ đi làm hằng ngày. Vì vậy, bên cạnh những hướng dẫn, phân tích cảm xúc để tự truyền động lực, cảm hứng cho chính mình, các tác giả cũng muốn thông qua cuốn sách này, các bậc quản lý, lãnh đạo sẽ tìm thấy những mắt xích liên kết giữa mình với nhân viên, cũng như giữa nhân viên và nhân viên, từ đó tạo nên một văn hoá công ty lý tưởng.
“Lãnh đạo không có nghĩa là bạn không được yếu đuối mà hãy yếu đuối một cách có chọn lọc”, điểm mấu chốt của nhà lãnh đạo vĩ đại không liên quan gì đến đặc điểm, tính cách cụ thể, mà nó nằm ở trí tuệ cảm xúc. Vậy nên hãy trở thành một lãnh đạo biết đồng cảm và thấu hiểu bằng cách tránh áp đặt cảm xúc lên người khác, và lắng nghe chân thành, bởi như nhận định của các tác giả trong “Thức dậy muốn đi làm”, nếu lãnh đạo không có chỉ số cảm xúc thì dù doanh thu có cao đến mấy cũng không thể cứu vãn được cơ ngơi của mình
Công việc không phải là tất cả trong cuộc sống nhưng hầu hết chúng ta đều dành ít nhất 8 tiếng nơi công sở. Cho dù bạn là người “nghiện việc”, thậm chí là kẻ “tử vì việc”, đang phải đánh vật để lên dây cót tinh thần mỗi sáng thì mục đích cuối cùng vẫn chỉ là mong cầu hạnh phúc và được là chính mình.
“Thức dậy muốn đi làm” chính là một món quà, tặng bạn cách nắm giữ cảm xúc nơi làm việc, cũng như giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình - đồng thời vẫn giữ nguyên vẹn tính chuyên nghiệp.
Liz Fosslien là một nhà tư vấn thiết kế và tiếp thị. Gần đây nhất, cô hoạt động với vai trò giám đốc sáng tạo cho Parliament, một công ty kết nối cho sự hợp tác giữa các nhà điều hành, các chủ doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500 với các tác giả hàng đầu về sách kinh doanh. Liz cũng là một họa sĩ minh họa và là người vẽ biểu đồ phân tích với các dự án cá nhân được đánh giá cao bởi các tờ The Economist, NPR, The Financial Times. Cô ấy chính là người đã vẽ minh họa cho toàn bộ cuốn sách này!
Mollie West Duffy là một nhà thiết kế tổ chức tại công ty phát kiến toàn cầu IDEO. Trước đó, Mollie từng là trợ lý nghiên cứu cho Nitin Nohria, chủ nhiệm khoa của Trường Kinh doanh Harvard và cho Michael E. Porter, giáo sư, nhà chiến lược danh tiếng.
Cô viết bài cho các tạp chí Fast Company, Quartz, Stanford Social Innovation Review, trang web của Quiet Revolution và các kênh điện tử khác. Cô có bằng cử nhân chuyên ngành Hành vi Tổ chức tại Trường Đại học Brown và bằng thạc sĩ Mỹ thuật (Master of Fine Arts - MFA) ngành thiết kế tại Trường Thiết kế Parsons. Mollie giảng dạy ở Trường Stanford và Parsons.