Bệnh viện nợ lương, bác sĩ phải đi bán rau: Sự việc chưa có tiền lệ

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:35, 17/11/2021

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, vấn đề xảy ra tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa có tiền lệ, cần có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị liên quan để tháo gỡ.

Khó khăn do tự chủ nóng vội

Báo Lao Động mới đăng tải loạt bài: Bệnh viện nợ lương, bác sĩ phải đi bán rau, ship hàng phản ánh nhiều cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế), trong đó có những trường hợp tham gia tuyến đầu chống dịch bị nợ 50% tiền lương đã nhiều tháng qua. Để kiếm thêm thu nhập, nhiều người phải tranh thủ bán rau, ship hàng sau giờ làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, việc Bệnh viện Tuệ tĩnh nợ lương cán bộ nhân viên kéo dài bắt nguồn từ việc đơn vị này thực hiện cơ chế tự chủ một cách nóng vội.

Theo đó, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện cơ chế tự chủ theo Quyết định số 2218/QĐ-BYT ngày 4.6.2019 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bệnh viện tự chủ trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về pháp lý, con người, tổ chức bộ máy và sự thống nhất. Đến nay, bệnh viện vẫn chưa kiện toàn được bộ máy lãnh đạo, tổ chức Đảng và Công đoàn riêng.

 
Y, bác sĩ bệnh viện Tuệ Tĩnh trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: PV

Tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại ở một lĩnh vực hết sức đặc thù - đó là chuyên ngành y học cổ truyền, chuyên ngành khó khăn trong ngành Y tế. Đây cũng là đơn vị đầu tiên xung phong tự chủ, nên chưa có đơn vị đi trước để rút kinh nghiệm và học tập.

"Vì hai điểm trên nên ngay từ khi tự chủ, bệnh viện đã gặp khó khăn. Cộng thêm điểm thứ ba là tự chủ của bệnh viện đúng thời điểm có dịch COVID-19 trong hai năm gần đây, nên gần như không có bệnh nhân đến" - Chủ tịch Công đoàn Y tế cho biết.

Theo bà Bình, do bệnh viện tự chủ nên cũng được coi như là một doanh nghiệp, vì vậy, không thể tránh khỏi tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Vấn đề chưa có tiền lệ

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, vấn đề nợ lương cán bộ ở đơn vị sự nghiệp y tế chưa có trong tiền lệ, đồng thời đề xuất xử lý sự việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh dựa trên 2 quan điểm:

Thứ nhất, phải giải quyết trên quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ y tế của các đơn vị tự chủ trong giai đoạn chống dịch nói chung. Việc này, cần có sự thống nhất của Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng kiến nghị đối với Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép tạm dừng tự chủ ở các đơn vị khó khăn trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.

Thứ hai, phải giải quyết nội bộ đơn vị: Bản thân Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị phải giải quyết công tác nội bộ từ nhiều năm nay, để có bộ máy hoàn thiện từ công tác Đảng, chính quyền đoàn thể, có chiến lược phát triển bệnh viện và đảm bảo Đảng phải lãnh đạo toàn diện đơn vị bệnh viện tự chủ, theo chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đang có Đoàn thanh tra đơn vị Học Viện Y dược học Cổ truyền và bệnh viện nên cần chờ kết luận của Thanh tra Bộ.

Điều dưỡng của khoa Ung bướu Đặng Thu Hiền (trái) tham gia chống dịch ở TP.HCM từ tháng 7 - tháng 10.2021. Ảnh: NVCC
Điều dưỡng của khoa Ung bướu Đặng Thu Hiền (trái) tham gia chống dịch ở TP.HCM từ tháng 7 - tháng 10.2021. Ảnh: NVCC

"Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn của đoàn viên bị nợ lương kéo dài. Trong khi chờ kết luận của Thanh tra bộ, trước mắt, chúng tôi thấy cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền để cho phép chủ trương tạm dừng tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp ngành y tế giai đoạn có dịch bệnh bùng phát" - Chủ tịch Công đoàn Y tế cho biết.

Được biết, Công đoàn Y tế đã đề nghị ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chủ trì buổi làm việc cùng các bên liên quan gồm: Các ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Ban Chính sách pháp luật, Ban Quan hệ lao động cùng với các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế; làm việc trực tiếp với Đảng ủy, Ban giám đốc, Công đoàn của Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Buổi làm việc dự kiến diễn ra vào ngày 19.11.

Trần Tuấn - Hữu Chánh