Có lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung hay không?

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:43, 16/11/2021

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 14.11 đến 18h ngày 15.11, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 289 ca COVID-19 mới, trong đó có 47 ca ở cộng đồng, 178 ca ở khu cách ly, 64 ca trong khu phong tỏa. Đây là số ca mắc cao nhất trong 24 giờ được ghi nhận từ trước đến nay tại Hà Nội.

Hiện Hà Nội đã cho phép một tỉ lệ nhỏ F1 cách ly tại nhà, còn lại vẫn áp dụng cách ly tập trung. Thống kê gần đây cho thấy số ca mới tại khu cách ly luôn cao nhất trong 3 nhóm ca mới của Hà Nội: Trong ngày 15.11, có đến 178/289 ca được ghi nhận ở khu cách ly, ngày 14.11 có 71/119 bệnh nhân ở khu cách ly; 13.11 có 76/146 bệnh nhân từ khu cách ly; ngày 12.11 ghi nhận 109/165 ca là trong khu cách ly...

Nhìn vào số liệu trên, một số ý kiến đặt vấn đề liệu có nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung hay không? Giải pháp nào có thể hạn chế sự "bùng nổ" số ca mắc mới, gây nguy cơ quá tải, vượt khả năng chăm sóc, điều trị của hệ thống y tế.

Về vấn đề cách ly các trường hợp F1 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng, Hà Nội nên mạnh dạn cho phép cách ly các trường hợp F1 tại nhà, thậm chí cả những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng.

Theo ông Nga, việc cho phép cách ly tại nhà sẽ đạt được nhiều mục đích. Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho bản thân họ, vì vào khu cách ly tập trung nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn. Thứ hai, đỡ tốn kém chi phí cho Nhà nước. Thứ ba, không gây nguy cơ lây lan cho người ở trong khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

“Nếu nhà họ có đủ điều kiện đảm bảo cách ly được thì nên để họ cách ly tại nhà. Ở nhà ấm áp hơn, tinh thần thoải mái hơn, điều kiện vệ sinh tắm rửa đầy đủ hơn, có thuốc điều trị sẽ hỗ trợ họ tốt hơn”- PGS Nga phân tích và cho rằng đối với những trường hợp nhà cửa không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì vẫn nên đưa họ đi cách ly tập trung, nhưng phải trên cơ sở tự nguyện.

Thùy Linh