PGS.TS Trần Đắc Phu: Triển khai cách ly F1 tại nhà, Hà Nội cần làm luôn

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:20, 16/11/2021

Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã áp dụng thành công phương án cách ly F1, F0 tại nhà, giảm áp lực rất lớn cho các cơ sở cách ly tập trung và ngành y tế. Thế nhưng, thành phố Hà Nội hiện vẫn đang dè dặt trong việc triển khai cách ly tại nhà.

Có thể triển khai ngay, không cần thí điểm

Bàn về phương án cách ly F1 tại nhà, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - cho rằng, Hà Nội cần triển khai luôn, không cần phải triển khai từng bước vì thực tế nhiều tỉnh thành có dịch đã áp dụng phương án cách ly tại nhà trước đó. Vì vậy, ông cho rằng: “Cứ đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế là áp dụng cách ly tại nhà luôn, không cần triển khai từng bước làm gì!”.

“Hà Nội không cần thí điểm nữa vì trước Hà Nội, đã có nhiều tỉnh thành áp dụng cách ly F0, F1 tại nhà thành công, hơn nữa Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm trong cách ly F2 tại nhà, việc này đã triển khai làm tốt rồi. Vì vậy, nên triển khai cách ly F1 tại nhà sớm”- PGS Phu nói.

Theo đại diện CDC Hà Nội, hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn có thể đảm đương được 60.000 - 70.000 trường hợp F1. Bên cạnh đó, thủ đô có đặc thù đất chật người đông, không bảo đảm an toàn khi cách ly tại nhà. Do đó, chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, thành phố mới tính đến phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.

PGS Trần Đắc Phu đặt vấn đề: "Cách ly tại nhà thì phải xem xét nhà đó có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không chứ không liên quan đến vấn đề “đất chật người đông”.

Nhà họ có phòng riêng hay không? Ý thức của người dân trong việc cách ly tại nhà có thực hiện được hay không? Cán bộ y tế cơ sở và chính quyền địa phương có theo dõi được hay không?". PGS Phu cho rằng đây là ba yếu tố quyết định có áp dụng cách ly tại nhà được hay không. "Trường hợp phải cách ly có được đi ra đường đâu mà liên quan đất chật người đông?"- PGS Phu đặt câu hỏi.

Riêng đối với các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, nhà không có phòng ốc, không đáp ứng được tiêu chuẩn cách ly tại nhà thì mới phải đi cách ly tập trung, chứ không phải cách ly tập trung toàn bộ như hiện nay.

“Chúng ta vẫn duy trì hình thức cách ly tập trung, nhưng chỉ đối với các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà như tôi phân tích ở trên"- ông nhấn mạnh.

Cách ly tập trung gây tốn kém, áp lực tâm lý rất lớn cho người dân

Mới đây, CDC Hà Nội khẳng định thành phố vẫn đảm đương được việc cách ly tập trung 60.000- 70.000 trường hợp F1, vì thế cách ly tại nhà là phương án chưa được áp dụng rộng rãi.

Về vấn đề này, PGS Phu cho rằng: "Đáp ứng được nhưng gây tốn kém và gây áp lực tâm lý rất lớn cho người dân. Trong khi đó thì cách ly tập trung toàn bộ như hiện nay là không cần thiết. Vì tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 tại Hà Nội hiện nay khá cao, hầu hết người dân đã được tiêm vaccine rồi, hơn nữa hiện nay phải thích ứng linh hoạt với tình hình dịch COVID-19, ý thức phòng dịch của người dân đã tốt hơn trước".

"Không phải tốn kém kinh phí cho người dọn vệ sinh, người quản lý, dịch vụ cung cấp ăn uống vài trăm nghìn một ngày… khi họ tự cách ly thì họ tự lo ăn uống, tự dọn dẹp vệ sinh… sẽ đỡ tốn kém rất nhiều, tránh lãng phí, giúp tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và nhân dân"- PGS Phu phân tích.

Trước đó, Bộ Y tế đã có thông báo đề nghị tăng cường cho phép cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà. Các điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện theo Hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định.

Thùy Linh