Khủng hoảng di cư: Ba Lan xây tường, Latvia dụng quân không chỉ cho vui; Mỹ hối Nga gây sức ép lên Belarus
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:41, 16/11/2021
Những người di cư đi bộ về một cửa khẩu ở biên giới Belarus-Ba Lan ngày 15/11. (Nguồn: Reuters) |
Giữa bối cảnh hàng nghìn người di cư, phần lớn là từ Trung Đông, tràn vào hoặc cố gắng băng qua biên giới Belarus-Ba Lan kể từ mùa Hè, Warsaw đã phản ứng bằng cách triển khai hàng nghìn binh sĩ tới biên giới và ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực, cũng như nhanh chóng xây dựng hàng rào kẽm gai.
Tuy vậy, tình hình không hề có tiến triển, EU phải tiến hành họp khẩn và nhất trí áp đặt vòng trừng phạt mới với Belarus do cáo buộc Minsk gây ra vụ việc.
Ngày 15/11, Bộ Nội vụ Ba Lan tuyên bố, nước này sẽ bắt đầu xây dựng bức tường dọc biên giới với Belarus: "Chủ trương mà chúng ta phải thực hiện là đầu tư tuyệt đối mang tính chiến lược, ưu tiên cho an ninh của quốc gia và người dân".
Bộ này cũng cho biết, các hợp đồng sẽ được ký kết trước ngày 15/12 và công tác liên quan sẽ bắt đầu ngay sau đó. Các công nhân sẽ làm việc liên tục 24 giờ, chia làm 3 ca một ngày và hoàn tất vào nửa đầu năm sau.
Bức tường biên giới trị giá khoảng 353 triệu Euro (407 triệu USD), dự kiến kéo dài 180 km, khoảng một nửa tổng chiều dài biên giới Ba Lan-Belarus. Quốc hội Ba Lan đã nhất trí việc xây dựng bức tường hồi tháng trước.
Latvia, một thành viên khác của EU, cũng đã triển khai 3.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận bất ngờ gần biên giới với Belarus từ ngày 13/11 và dự kiến kéo dài đến ngày 12/12.
Phát biểu với truyền thông quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks nói: "Chúng tôi không thể loại trừ khả năng một phần của những nhóm (di cư) này sẽ di chuyển xa hơn về phía Bắc và có thể đến biên giới Latvia. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó".
Theo ông Pabriks, thông điệp gửi tới Belarus là động thái quân sự của Latvia "không chỉ để cho vui".
Trong khi đó, ngày 15/11, Mỹ kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng để gây sức ép với chính phủ Belarus nhằm ngăn chặn những gì mà chính phủ các nước phương Tây gọi là cuộc khủng hoảng di cư khiến hàng nghìn người di cư bất hợp pháp mắc kẹt trong các khu rừng lạnh giá ở khu vực biên giới với EU.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: "Chúng tôi vẫn đang kêu gọi Nga và trực tiếp khuyến khích họ sử dụng ảnh hưởng của mình nhằm gây sức ép với chính quyền của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngừng đối xử không công bằng và ép buộc những người dễ bị tổn thương”.
Ngoài ra, theo bà Jen Psaki, Mỹ đang phối hợp với các đồng minh EU và các đối tác khác chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào chính quyền của Tổng thống Lukashenko do cho rằng, Minsk "tạo điều kiện" cho dòng người di cư tại biên giới với Ba Lan.