Nhọc nhằn gieo chữ trên cao nguyên đá Hà Giang

Xã hội - Ngày đăng : 19:22, 15/11/2021

Thương học trò nghèo, thầy Hò Văn Lợi (38 tuổi) tình nguyện là giáo viên cắm bản ở thôn Pờ Chừ Lủng - nơi mệnh danh là vùng đất bị lãng quên thuộc thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La (xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang).

Thôn Pờ Chừ Lủng (xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang) nơi thầy Hò Văn Lợi công tác suốt 5 năm liền hiện là thôn sâu, xa nhất của xã Ngam La với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Thôn nằm chơ vơ giữa đại ngàn với những ngọn núi vắng dấu chân người qua lại.

Pờ Chừ Lủng hiện nay được chia làm 3 tổ dân cư riêng rẽ gồm các tổ dân cư 1, 2 và 3, mỗi tổ cách nhau vài giờ đi bộ. Trong đó tổ 1 được coi là “trung tâm” vì có đường xe máy, còn tổ 2 và 3 thì phải đi bộ hoàn toàn.

loi1.jpeg
Lớp học giữa cao nguyên đá của thầy Lợi

Khi mới nhận công tác tại Pờ Chừ Lủng, cuộc sống của giáo viên như thầy Lợi vô cùng khó khăn do đường lên điểm trường là dốc đá, phải đi bộ hoàn toàn. Thời điểm đó, điểm trường không có điện, thiếu nước sinh hoạt và thời tiết rất khắc nhiệt vào mùa Đông.

Ở Pờ Chừ Lủng, khó khăn nhất vẫn là thiếu nước. Người dân thì có đất để đào hố trữ nước và quen dùng nước tù đọng. Giáo viên uống nước không quen sẽ đau bụng, nằm bẹp nguyên tuần. Ban đầu, nhà trường cấp cho 2 thùng nhựa to trữ nước.

Mùa khô, mỗi ngày chỉ chia nhau 1 ca để lau mặt, đánh răng, còn tắm gội giặt quần áo phải đợi khi xuống núi. Nồi niêu bát đũa nấu ăn, xong cũng lấy giấy lau qua, đợi cuối tuần mới xuất nước rửa.

“Do quanh khu vực các điểm trường đều là núi đá vôi nên luôn thiếu nước, trong khi điện lưới thì chưa có. Chủ yếu sử dụng nước mưa từ mái chảy xuống để uống, quần áo thì phải cuối tuần để vào ba lô mang về để giặt. Mọi sinh hoạt của giáo viên và học sinh rất khó khăn.

Hầu hết các giáo viên đều tận dụng thời điểm rảnh rỗi ban ngày để soạn giáo án. Ban đêm rét, mùa đông có khi xuống đến 1, 2 độ nên không thể làm việc được nên cứ ăn cơm xong là mọi người lên giường đắp chăn đi ngủ. Cả điểm trường im phăng phắc, chìm trong sương rét của núi rừng.

Mùa hè trên điểm trường khá lạnh, đêm phải đắp chăn. Mùa đông thì liên tục băng tuyết và sương mù đặc quánh. Đi ngủ đắp 5 cái chăn bông, sáng dậy chiếc trên cùng ướt sũng vì sương luồn qua khe gỗ. Buổi sáng, giáo viên chia nhau đi cạy các tảng băng dày 2 - 3 cm như tấm kính, về đun thành nước uống, rửa mặt”, thầy Lợi nhớ về quãng thời gian mới nhận công tác tại điểm trường ở Pờ Chừ Lủng.

loi2.jpeg
Năm 2021 thầy Lợi là 1 trong 190 giáo viên được vinh danh là giáo viên tiêu biểu toàn quốc và thầy Lợi xuất hiện trong chương trình "Thay lời tri ân".

Để tạo điều kiện cho giáo viên bám điểm trường, hằng năm nhà trường đều tổ chức luân chuyển giáo viên giữa điểm trường chính và các điểm trường phụ.

Từ tháng 5/2019, sau 4 năm ở trên điểm cụm 2 thầy Lợi được chuyển về điểm trường chính, hai cô giáo lên thay nhưng tháng 9 vừa rồi khi đi dạy học do đường trơn, khó đi nên hai cô giáo không may bị ngã. Thầy Lợi lại xung phong tiếp tục lên điểm cụm 2 thay thế để dạy học.

Suốt những năm trong nghề, thầy Lợi không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng.

“Đối với học sinh miền xuôi đi học đều là chuyện bình thường nhưng ở miền núi chuyện học sinh bỏ học giữa chừng là chuyện không hiếm, thậm chí phổ biến. Đường xá di chuyển khó khăn, xa xôi bố mẹ học sinh nhiều khi bận việc trên nương nên không cho con đến lớp. Nhất là mùa đông, nhiệt độ xuống thấp học sinh ở các cụm 2 và 3 đi học rất ít”, thầy Lợi tâm sự.

Gần 10 năm gắn bó với nghề, với học sinh, thầy Lợi vẫn giữ cho mình một đam mê với nghề giáo. Thầy Lợi cho biết: "Tôi luôn tự nhủ bản thân phải bằng tình yêu thương và trách nhiệm trong công tác. Mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình mang cái chữ đến với các em học sinh, giúp các em có thêm hy vọng về một tương lai tương sáng ở phía trước.

Còn tôi, nếu được chọn lại dù biết trước được rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn sẽ chọn làm thầy giáo", thầy Lợi nói.

MINH AN