Hơn 22.000 hộp sữa kiều bào Australia gửi hỗ trợ trẻ em ở TP.HCM giờ ra sao?
Xã hội - Ngày đăng : 16:02, 15/11/2021
Ngày 15/11, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra lô hàng 22.362 hộp sữa cứu trợ cho trẻ em từ 0-36 tháng tuổi do kiều bào Australia tặng, Cục đã có văn bản gửi Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM thông báo về thủ tục nhập khẩu cho lô sữa này. Cục cũng đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM hoàn thiện hồ sơ để thông quan sớm nhất.
Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Khu vực 1 thực hiện thủ tục nhập khẩu lô hàng theo quy định. "Chiều nay, Hải quan Khu vực 1 đã thông quan xong lô hàng. Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đang mang hàng về", đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho hay.
Trước đó, chiều 12/11, sau khi nhận được công văn số 2167/ATTP-KN của Cục ATTP (Bộ Y tế) về việc giải quyết lô hàng viện trợ theo yêu cầu của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo Cục ATTP, Mặt trận và Viện Y tế công cộng TP.HCM để trong chiều cùng ngày xuống cảng Cát Lái lấy mẫu của lô hàng về kiểm tra.
Kết quả cho thấy toàn bộ các mẫu đạt các tiêu chí an toàn theo quy định hiện hành, đang được bảo quản trong container tại cảng SP-ITC. Bao bì bên ngoài và bao bì trực tiếp còn nguyên vẹn và rõ ràng thông tin sản phẩm. Lô 22.362 hộp sữa cứu trợ này được gửi tới cửa khẩu cảng Cát Lái ngày 21/10.
Trong đó, có 3 dòng sản phẩm bao gồm 4 lot (số lô sản xuất) trong tháng 9/2020 và hạn sử dụng đến tháng 9/2022. Đây là các sản phẩm dinh dưỡng với quy cách đóng gói 900g/hộp, dành cho trẻ trong các giai đoạn 0-36 tháng tuổi.
Kết quả kiểm nghiệm một số tiêu chí an toàn đối với 3 sản phẩm trên cũng đạt theo quy định hiện hành. Toàn bộ kết quả này đã được Viện Y tế công cộng TP.HCM gửi về Cục ATTP (Bộ Y tế) và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1. Như vậy, các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm đủ điều kiện để hàng được thông quan.
Trước đó, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV sáng 9/11, phát biểu từ điểm cầu TP.HCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, trong các báo cáo, bà chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức được vai trò của mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy, nhận trách nhiệm của mình trong công việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn.
Bà Châu dẫn chứng, vừa qua TP.HCM có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do kiều bào ở Australia ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch. Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Cục Thú y. Sau đó, chỉ trong 2 ngày Cục Thú y đồng ý, nhưng Cục ATTP lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.
Trong khi đó, nếu TP.HCM gửi công văn đến Chính phủ thì Chính phủ cũng giao cho Cục ATTP trả lời. Bà Châu đặt vấn đề vì sao Cục ATTP không tham mưu luôn cho Chính phủ có văn bản trả lời.
“Cách làm của Cục ATTP là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Và nếu như không có gì thay đổi trong đánh giá hàng năm thì cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì đã làm tròn chức trách nhiệm vụ; nhưng còn ở TP.HCM, lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?”, bà Châu nêu ý kiến
Hoàng Thọ