Nhiều tỉnh miền Trung tập trung ứng phó ngập úng, sạt lở đất
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 14:50, 15/11/2021
Do mưa to, nước suối chảy từ trên núi tràn đất, đá xuống mặt Quốc lộ 1D, TP Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Mỹ Bình |
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiến cứu nạn vừa có Công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN một số Bộ và cơ quan báo chí, truyền thông về việc ứng phó với mưa to và nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp.
Từ 8/11 đến 14/11 tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có mưa to đến rất to, lũ các sông lên BĐ1, BĐ2, có sông trên BĐ3 đã gây ngập lụt, sạt lở một số khu vực; dự báo từ ngày 15/11 đến ngày 18/11, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 300mm, có nơi trên 350mm; ở Quảng Trị, Khánh Hòa phổ biến 70 - 150mm, có nơi trên 200mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiến cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, các Bộ, ngành thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; tổ chức khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa, lũ vừa qua.
Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ.
Rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.
Đồng thời, tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông.
Chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về mưa, lũ, xả lũ của các hồ chứa để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủyban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.