Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du châu Phi: Chuyến thăm đầu tiên đầy thử thách

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:18, 15/11/2021

Trang Foreign Policy ngày 11/11 đã đăng bài phân tích về những trọng tâm trong chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới châu Phi.
Những ưu tiên của ngoại trưởng Mỹ khi công du châu Phi
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại trụ sở ở New York ngày 23/9/2021. (Nguồn: Getty Images)

Chuyến công du đầu tiên không dễ dàng

Ngày 15/11, ông Antony Blinken bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến châu Phi với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ.

Chuyến thăm kéo dài đến ngày 20/11 với các điểm dừng chân ở Kenya, Nigeria và Senegal trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Phi đang lan rộng và chính quyền của Tổng thống MỹJoe Biden đang nỗ lực thúc đẩy một số chương trình nghị sự ở nước ngoài.

Chuyến công du của ông Blinken là chuyến thăm cấp cao nhất từ trước đến nay của một quan chức chính quyền của Tổng thống Biden tới lục địa này.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với điều mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mô tả là “đại dịch của các cuộc đảo chính” ở châu Phi và xung đột đang gia tăng nhanh chóng ở Ethiopia gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Đáng chú ý, nhà ngoại giao 59 tuổi này sẽ không đến thăm Ethiopia hay Sudan, vốn đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng do đảo chính, làm đảo ngược quá trình chuyển đổi dân chủ vốn rất mong manh.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cả 2 cuộc khủng hoảng được dự đoán là chủ đề chính của các cuộc trao đổi trong chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken. Mỹ có nhiều cam kết ngoại giao phù hợp để giải quyết các mục tiêu chính sách đối ngoại ở 2 quốc gia này.

Ngoại trưởng Blinken rất tập trung vào việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ và lợi ích của người dân Sudan cũng như lợi ích của người dân Ethiopia trong suốt chuyến đi.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vùng Sừng châu Phi Jeffrey Feltman thường xuyên đến thăm 2 quốc gia này.

Cam kết với châu Phi

Chuyến công du của ông Blinken đến châu Phi ban đầu được lên kế hoạch vào đầu năm nay, nhưng bị hoãn lại sau sự kiện Afghanistan xảy vào tháng 8 vừa qua.

Với chuyến công du ngày 15/11, một trong những chương trình nghị sự hàng đầu của ông Blinken sẽ là “phục hồi các nền dân chủ”.

Đây cũng là một ưu tiên chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức, với đỉnh điểm là Hội nghị thượng đỉnh dân chủ dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng tới.

Chương trình nghị sự đó đang gặp phải những trở ngại đáng kể ở châu Phi, nơi một số chính phủ - bao gồm các nhà lãnh đạo chuyên quyền mà Mỹ đang hợp tác để chống khủng bố và hợp tác trong các vấn đề an ninh - đã bị lật đổ trong các cuộc đảo chính gần đây.

Cuộc đảo chính quân sự tại Sudan là cuộc đảo chính thứ 4 ở châu Phi trong năm nay, sau các cuộc tiếm quyền của các nhân vật quân sự ở Chad, Mali và Guinea.

Ngoài ra, 3 quốc gia châu Phi khác, bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Niger và Madagascar - đã ngăn chặn thành công các âm mưu đảo chính ở những nước này.

Đây là tỷ lệ tăng cao nhất các cuộc đảo chính và âm mưu lật đổ mà lục địa này từng chứng kiến kể từ những năm 1980.

Ông Blinken có kế hoạch gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính phủ 3 nước mà ông đến thăm để chứng minh bằng hành động, cũng như lời nói rằng, Mỹ đang đầu tư vào mối quan hệ đối tác với người dân cũng như chính phủ các nước châu Phi, nhằm thúc đẩy các giá trị dân chủ.

Các nội dung chính khác trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Blinken gồm, giải quyết đại dịch Covid-19, khả năng tiếp cận vaccine và biến đổi khí hậu.

Chuyến đi của ông Blinken diễn ra sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó các quốc gia châu Phi đề xuất đàm phán về một thỏa thuận tài trợ trị giá 700 tỷ USD để giúp lục địa này thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng tốc các nỗ lực khử carbon.
Châu Phi phát thải khoảng 4% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng các nước thuộc lục địa này lại là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Thanh Tú