Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ

Xã hội - Ngày đăng : 12:34, 14/11/2021

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lâm quyết định nối nghiệp bố mẹ, làm những sản phẩm liên quan đến gốm. Với sự mày mò học hỏi, đến nay anh đã tạo ra nhiều sản phẩm được đánh giá “độc nhất vô nhị”.

Sinh ra trên đất làng gốm Thanh Hà ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) trong gia đình có truyền thống làm những sản phẩm liên quan đến gốm nên từ lúc 5 tuổi anh Lâm đã đam mê tạo hình những sản phẩm đơn giản như tò he, chén, bát…

“Đến năm 14 tuổi, nhờ sự hướng dẫn của ông nội và bố mà tôi có thể tạo ra những tượng như voi, tượng Phật, lọ hoa cách điệu…” - anh Lâm nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ quyết định nối nghiệp bố mẹ, gắn cuộc đời với những sản phẩm liên quan đến gốm.

Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ
Anh Lâm với công đoạn trang trí họa tiết
Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ

“Tôi thấy men gốm của ông bà đã thất lạc nên muốn phục hồi lại, phát triển thêm các mẫu mã mới...”, chàng trai 23 tuổi bộc bạch.

Khi tiếp quản lại cơ ngơi của bố mẹ từ năm 18 tuổi, anh Lâm đã bắt đầu tìm tòi, phát triển cho mình con đường riêng về gốm. Các sản phẩm gốm của anh Lâm có nét độc đáo riêng khi vừa làm thủ công và được tráng men.

Men được anh Lâm trộn giữa vỏ nghêu, tro, hóa chất, sau đó nấu lên và tráng lên bề mặt gốm.

Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ
Thành phẩm thô sau khi trang trí

Anh Lâm chia sẻ: “Trong làng gốm Thanh Hà, các cơ sở chỉ sản xuất những sản phẩm gốm đất, sau đó đưa vào lò nung và ra thành phẩm. Thấy đơn điệu nên tôi quyết tâm mày mò tráng men lên sản phẩm để thành phẩm đẹp hơn. Đồng thời, tôi cũng tự tạo ra những chi tiết độc, lạ trên chính đôi tay của mình mà không dùng khuôn có sẵn”.

Để tạo thành một sản phẩm gốm tráng men cần 5 công đoạn như nhồi đất, vuốt gốm, trang trí họa tiết, tráng men và nung gốm.

Theo anh Lâm, ngoài công đoạn vuốt gốm và trang trí họa tiết có độ khó cao, cần sự sáng tạo, tỉ mỉ, tay nghề phải cao thì tráng men được xem là công đoạn khó nhất trong quá trình tạo thành sản phẩm.

Quá trình nghiền men cần khống chế độ mịn hợp lý (độ mịn qua ngưỡng sàng 10.000 lỗ/cm2 là đạt). Nếu nghiền men quá thô dễ gây nhám bề mặt, còn nghiền quá mịn dễ bị bong men khi tráng lên sản phẩm.

Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ
Anh Lâm bên bộ sưu tập gốm tráng men đã thành phẩm
Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ
Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ
Nhiều sản phẩm lọ hoa làm bằng gốm được cách điệu

“Một phần ít người theo đuổi gốm tráng men đó là việc tạo men và nung gốm. Tạo men thì cần thành phần, số lượng thích hợp. Mỗi loại men sẽ có nhiệt độ khác nhau, ví dụ như men ngọc (màu ngọc) thì giữ nhiệt độ ở 1.250 đến 1.300 độ C, men da lươn (màu da lươn) thì giữ nhiệt độ từ 1.100 đến 1.150 độ C…”, anh Lâm chia sẻ.

Mong muốn phát triển nhiều dòng gốm tráng men

Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Làm làm ra từ 50-60 sản phẩm. Để làm ra một sản phẩm gốm mất 15 ngày từ giai đoạn nhồi đất đến nung gốm. 60 sản phẩm gốm đó khi nung lên chỉ còn khoảng 40 tác phẩm đạt chuẩn. Vì nhiều lý do mà gốm có thể bị bong hoặc vỡ.

“Lúc du lịch đang phát triển, cơ sở của tôi có 7 người làm (trong đó có 4 nhân công). Hiện do dịch bệnh bùng phát nên 3 nhân công đang nghỉ tạm thời, khi du lịch phục hồi trở lại mọi người sẽ quay trở lại công việc”- anh Lâm chia sẻ.

Trước dịch, mỗi ngày cơ sở của anh trung bình đón gần 1.000 khách du lịch theo tour đến tham quan, thực tế. Sản phẩm gốm từ đó được tiêu thụ mạnh và nhân viên làm không ngừng nghỉ.

Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ
Tác phẩm chú tiểu bằng gốm tráng men
Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ
Lọ hoa cách điệu
Chàng trai 9X 'hô biến' những tảng đất thành sản phẩm độc lạ

Khi dịch đến, du lịch tạm ngưng nên anh kết nối trực tiếp với những cơ sở ở các tỉnh, TP khác như Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên-Huế… để tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tác phẩm gốm được bán ra với giá dao động từ 200 nghìn đến 2 triệu đồng.

Hỏi về định hướng trong thời gian tới, anh bộc bạch: “Tôi muốn góp sức nhỏ của mình phát triển làng gốm Thanh Hà, để khi nhắc đến làng gốm này thì không chỉ có gốm đất đỏ mà còn gốm tráng men.

Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những dòng gốm mới lạ, tráng men lên nhiều loại đất khác nhau và mong muốn tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân trong làng”.

Phó Ban quản lý làng gốm Thanh Hà Nguyễn Hào cho biết: bạn Lâm trẻ nhưng rất sáng tạo, đã làm ra nhiều sản phẩm gốm tráng men độc đáo.

“Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Lâm đã mày mò nhiều sản phẩm gốm độc, lạ. Hiện trong làng gốm Thanh Hà chỉ duy nhất cơ sở Sơn Thủy có tráng men gốm và được làm thủ công. Mỗi sản phẩm có nét riêng chứ không giống bất kỳ sản phẩm nào khác, đó là sự độc đáo dẫn tới thành công của cậu thanh niên 9X này”, ông Hào nhìn nhận.

Công Sáng