'Thợ săn'... rác ở bán đảo Sơn Trà
Xã hội - Ngày đăng : 11:24, 12/11/2021
Mỗi lần đi "săn”, không lần nào anh về tay không, “chiến lợi phẩm” ít nhất là 10kg, nhiều thì 30kg rác.
“Săn" rác cứu biển
Chúng tôi tình cờ gặp Đào Đặng Công Trung trong một lần anh đang rong ruổi khắp các ngõ ngách của Sơn Trà để nhặt rác. Với làn da rám nắng cùng chiếc áo thun, quần lửng, đi cùng là chiếc xe máy cũ, lỉnh kỉnh hàng đống túi rác, nhìn anh trông giống một nhân viên môi trường hơn là Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Trung Hà Thanh - Danang Ocean Tour. Anh Trung bảo, nhiều người không quen cứ nghĩ anh là nhân viên môi trường nên vô tư xả rác bởi đã có người dọn. Những lần như vậy anh đều lặng lẽ nhặt rác “trả lại” khiến họ phải “ngại ngùng” với hành động của mình.
Anh Trung kể, quê gốc ở Hội An nhưng đã “phải lòng” Sơn Trà hơn chục năm nay, từ thời bán đảo xinh đẹp này chưa được nhiều người biết. Với hệ sinh thái biển phong phú và khá nguyên sơ, du khách khắp nơi tìm đến đây ngày càng nhiều. Thế nhưng, tỷ lệ thuận với lượng khách là rác thải cũng ngày càng tăng lên. Yêu thương từng con cá, ngọn cỏ ở Sơn Trà, hàng ngày phải chứng kiến bán đảo này phải oằn mình gánh chịu đủ loại rác thải, từ vỏ lon, hộp nhựa, ni lông, anh quyết định đi... nhặt rác.
Trung bình mỗi tuần, anh Trung lên Sơn Trà ba lần, có lần đi cùng bạn, đa số đi một mình. Không lần nào anh về tay không, ít nhất 10kg, nhiều thì 30kg rác. Vỏ chai, túi ni lông, quần, áo, nón, mũ… anh nhặt được không thiếu thứ gì. Anh Trung kể, có thời gian, vì bận việc nên anh ít lên Sơn Trà, rác nhiều vô kể. Thế là anh định ra những chuyến gom rác định kỳ, ba lần mỗi tuần (sáng tầm 6h30 đến 8h, chiều tầm 17h30 đến 18h30), phân chia từng khu vực. Thế là, gần 10 năm nay, sau những công việc bận rộn mưu sinh lo cho gia đình, anh Trung đều dành thời gian đi nhặt rác quanh bán đảo này.
“Những hôm trời nắng, tôi đi nhặt vào buổi chiều, xuống núi thì trời vẫn còn sáng. Có những hôm mưa gió, nhặt xong xuống núi thì trời đã tối đen như mực, rất nguy hiểm, nhưng Sơn Trà với tôi như là nhà nên không có chút sợ hãi nào.
Mọi ngóc ngách trên Sơn Trà tôi đều thuộc như lòng bàn tay, những ổ gà, những khúc cua, ở khúc cua đó có cây gì tôi đều biết” – anh Trung chia sẻ.
Nói là vậy, nhưng cũng có những lần “ham rác”, “say rác” mà anh Trung gặp cả tổ rắn lục trong bụi cây hay những hốc đá sâu hoắm cần phải có sức khỏe, thông thạo đường rừng, leo trèo và cả kinh nghiệm mới vượt qua được.
Không chỉ nhặt rác ở rừng Sơn Trà, anh Trung còn lặn biển… nhặt rác. Anh bảo rằng, đại dương không có rác, thế nhưng, chỉ vì ý thức của nhiều người quá kém nên đã làm mất đi vẻ đẹp thanh sạch vốn dĩ.
Anh Trung cho biết, khác với trên bờ, rác dưới đáy biển không chịu đứng yên. Chúng cứ trườn theo con nước. Người lặn buộc phải có sức khỏe tốt, kỹ năng thuần thục, hơi lặn dài, chịu được áp lực nước. Tùy theo độ sâu mà người lặn có thể lặn một hơi, tầm 5-7 m nước để nhặt 2-3 vỏ lon. Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà cứ gắng lượm từng cái và không lường được con nước để trồi lên, thì rất nguy hiểm. Không những thế, dưới đáy biển cũng có nhiều sinh vật có độc như cá mặt quỷ. Nếu nhặt nhầm cá này sẽ bị trúng độc, bị nặng sẽ bất tỉnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm lặn biển vớt rác của mình, anh Trung chưa bị con vật nào tấn công nhưng bị trầy xước cơ thể thì nhiều do va rạn đá ngầm.
"Cứ hành động rồi sẽ lan tỏa"
Những chuyến vớt rác dưới đáy biển của anh không chỉ thầm lặng, mà cứ như... muối bỏ biển nếu tương quan với lượng rác thải đang được xả bừa bãi. Có người còn chê anh là “đồ gàn dở” nhưng anh vẫn làm, đơn giản chỉ vì đáy biển đang cần anh.
Anh Trung bảo, mục đích của mình là lan tỏa cho cộng đồng thấy được việc làm của mình mà thay đổi thái độ với rác thải. Rác đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của chúng ta và của những loài động thực vật và đa dạng sinh học.
“Mưa dầm thấm lâu”, nhiều bạn trẻ thông qua mạng xã hội đã biết đến công việc của anh Trung. Từ đó, cứ cuối tuần, nhiều bạn lại rảo quanh các rạn san hô ở bán đảo để thu gom rác thải, chung tay làm sạch Sơn Trà. Họ đi thành từng nhóm “phượt” dưới nước, vừa lặn vừa nhặt rất nhiều rác thải mang vào bờ...
Nguyễn Hải Đăng dù chỉ mới học lớp 8 cũng đã theo anh Trung lặn biển vớt rác được vài tuần nay. Hải Đăng thổ lộ, em bị thuyết phục bởi sự kiên trì và hết lòng trong việc gìn giữ màu xanh cho Sơn Trà của anh Trung nên em đã đề nghị với ba mẹ đồng ý cho tham gia nhóm phượt đáy biển.
“Dưới đáy biển có rất nhiều rác thải từ ngư lưới cụ đến vỏ lon, chai nhựa. Nhiều sinh vật biển vì rác thải nhựa mà bị tiêu diệt. Em muốn cùng anh Trung nhặt rác làm sạch Sơn Trà, giải cứu sinh vật biển” - Hải Đăng chia sẻ.
Anh Trung bảo, Sơn Trà có quần thể động, thực vật rất phong phú nhưng cũng rất mong manh, do vậy sự can thiệp của con người rất dễ biến đổi cảnh quan và cân bằng sinh học. Biển sạch và không rác thải là niềm đau đáu khôn nguôi của vị giám đốc này. “Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc nhặt rác hằng tuần, thậm chí hằng ngày, đến khi nào không còn sức lực nữa mới nghỉ. Biển phải sạch thì san hô và sinh vật biển mới sống được, mới gầy dựng được quần thể sinh vật biển đa dạng và phong phú quanh bán đảo Sơn Trà - hòn ngọc quý của miền Trung” - anh Trung bộc bạch.
Đến nay, anh Trung đã đưa thói quen này của mình trở thành một hoạt động trong các tour của công ty Danang Ocean Tour. Trong mỗi tour, anh Trung đều trang bị dụng cụ lặn, vợt vớt rác, giỏ đựng cho du khách và dành ra 15 phút để du khách thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến. Ngoài ra, công ty của anh còn tiến hành đổi những chiếc túi ni lông mà du khách mang theo sang túi cói để ngăn chặn những chiếc túi ni lông ấy sẽ vô tình bị vứt lại biển đảo, gây ô nhiễm môi trường.
Bà Dương Thị Xuân Liễu, Trưởng Phòng Quản lý và Khai thác du lịch Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đánh giá: "Anh Trung là một tấm gương tiêu biểu để nhân rộng thêm những hình ảnh đẹp về việc cộng đồng cùng chung tay với các cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ môi trường sinh thái".
Trần Lan Anh