Du lịch mở cửa, các doanh nghiệp khách sạn vẫn như đi trong sương mù

Xã hội - Ngày đăng : 05:30, 12/11/2021

Mở cửa rồi, du lịch vẫn chưa hết khó. Sau những tháng ngày phong tỏa nghiêm ngặt, các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể khởi động lại dù mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng

Thành phố mở cửa, cuộc sống bật dậy như lò xo nhưng kinh tế hồi sinh dè dặt theo kiểu hộ cá thể, còn các doanh nghiệp lớn vẫn loay hoay với đủ các quy định mới nhưng cách quản lý cũ.

Mở cửa du lịch, bắt tay vào lại mới thấy quá khó

Ông Tạ Minh Tuấn, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tại Huế chia sẻ rằng du lịch hiện đang rất khó, báo chí đưa tin chỗ này mở cửa, chỗ kia đón khách nhưng thực tế các doanh nghiệp khách sạn lưu trú chưa thể phục hồi.

Du lịch mở cửa, các doanh nghiệp khách sạn vẫn như đi trong sương mù - 1

Mở cửa rồi nhưng du lịch vẫn chưa hết khó

Việc mở cửa một khu du lịch tốn nhất nhiều chi phí, nếu lượng khách ít thì không đủ chi phí để vận hành. Bên cạnh đó, các hệ thống dừng hoạt động đã lâu, nay muốn khởi động lại cũng cần chi phí cho việc sửa chữa và thay thế.

Thời điểm này được các địa phương xác định là giai đoạn lấy đà để mở cửa đón khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, việc khởi động thị trường du lịch vào đúng thời điểm miền Trung vào mùa mưa bão, mùa thấp điểm đối với toàn ngành du lịch. Vậy nên, doanh nghiệp hiện vẫn rất dè dặt trong việc mở cửa trở lại.

Nói đến du lịch, luôn có một lượng khách muốn đặt phòng nghỉ dưỡng nhưng khi nghe các quy định về thẻ xanh, thẻ vàng, kết quả xét nghiệm, test nhanh Covid-19... khách hàng bắt đầu lo ngại và dao động với quyết định đi du lịch của của họ.

Qua đó, ông Tuấn bày tỏ mong muốn các ban ngành sớm có sự chỉ đạo thống nhất giữa các địa phương và trong quy trình đón khách. Bởi trên thực tế, dù du khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn cần có giấy xác nhận test Covid-19 âm tính, kể cả trẻ em, đến nơi lại phải cách ly theo quy định từng vùng, các thủ tục hết sức rườm rà và bất cập.

Các nước trên thế giới mở cửa du lịch “nhanh và an toàn”, còn nước ta hướng tới phương châm “chậm mà chắc”. Thị trường du lịch hiện như “đi câu” lại khách để vớt lại phần nào thua lỗ trong suốt quá trình đóng cửa vì dịch bệnh.

Nhiều tỉnh đã có chủ trương nhưng Sở chưa có hướng dẫn; có dự thảo nhưng chưa kịp xin ý kiến ban ngành thì đã lạc hậu do có những quy định mới. Các công ty lữ hành hiện như “đi trong sương mù” vì khâu tổ chức và quản lý ở nước ta đang thiếu tính thống nhất, liên tục thay đổi. Cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn không biết chính xác khi nào thì du lịch Việt Nam mới thật sự được mở cửa.

Du lịch trở lại không chỉ gặp khó khăn trong bất cập giữa chính sách quản lý mà còn khó trong việc duy trì chất lượng phục vụ. Phần lớn nhân sự trong lĩnh vực này đã phải chuyển đổi ngành nghề trong đại dịch, có thể sẽ không quay trở lại khi du lịch được mở cửa. Việc tuyển dụng và đào tạo người mới sẽ mất rất nhiều thời gian để doanh nghiệp ổn định lại như lúc đầu.

Du lịch mở cửa, các doanh nghiệp khách sạn vẫn như đi trong sương mù - 2

Cần có các chính sách phù hợp, kịp thời, thống nhất để kích cầu du lịch được hiệu quả trong thời điểm này

Du lịch luôn đi kèm với những ưu đãi, đặt biệt là du lịch thời hậu Covid-19. Các chính sách kích cầu du lịch luôn là phao cứu sinh cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế, việc đi lại giữa các địa phương còn khó khăn thì chính sách kích cầu du lịch tại thời điểm này có thật sự hiệu quả hay không đang là câu hỏi lớn đặt ra các bộ, ban ngành.

Dù Covid-19 đã dần được kiểm soát, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc ngành du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp; đặt yếu tố an toàn lên đầu, an toàn trong chuỗi cung ứng dịch vụ, tour và trong các công tác kiểm soát.

Phục hồi du lịch là yêu cầu cấp bách

Tại thành phố Đà Nẵng, việc đón khách nội địa cũng cơ bản đã được triển khai. Đà Nẵng sẽ mở lại các khu, điểm do nhà nước quản lý như danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng mỹ thuật... còn lại phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, việc mở cửa đón khách du lịch trở lại mang ý nghĩa sống còn đối với toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, không phải cứ mở cửa là khách sẽ tới vì nguy cơ về dịch bệnh còn phức tạp. Chính vì thế, ngành du lịch rất cần có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp để có những giải pháp hợp lý, kịp thời và đồng bộ để phá tan “tảng băng” đã khiến ngành du lịch bị tê liệt suốt 2 năm qua.

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi suy nghĩ, quan điểm và cách đi du lịch của du khách. Yếu tố an toàn được đặt lên cao nhất sau đó mới tới các tiêu chí thu hút khách như sức hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên hay bản sắc văn hóa và cơ sở hạ tầng của dịch vụ du lịch.

Song song với các giải pháp an toàn cho du khách, các địa phương cũng cần xây dựng sản phẩm, tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông lớn... để du khách có thể tìm hiểu, lựa chọn và đặt niềm tin vào các sản phẩm dịch vụ ngay khi du lịch được phép mở rộng đón khách.

Phương Mai (Tạp chí Vietnam Traveller)