Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới lợi dụng kẽ hở chuyển khoản khi mua hàng
Pháp luật - Ngày đăng : 21:03, 11/11/2021
Theo Công an Q4, khi chuyển tiền khác hệ thống ngân hàng trên Website của ngân hàng, người thụ hưởng (người nhận) không nhận được tiền ngay nhưng tài khoản của đối tượng vẫn báo thực hiện giao dịch thành công. Sau khi ngân hàng thực hiện chuyển khoản, nếu phát hiện tài khoản của đối tượng không có tiền sẽ huỷ giao dịch, tuy nhiên việc huỷ giao dịch này cần thời gian, không thể thực hiện ngay tức thì.
Lợi dụng điều này, đối tượng lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản. Cụ thể, đối tượng sẽ đến cửa hàng để mua đồ, sau đó nói lý do không có sẵn tiền mặt để yêu cầu giao dịch qua tài khoản ngân hàng, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo. Đối tượng thường nhắm đến nạn nhân là người lớn tuổi không rành công nghệ để thực hiện hành vi của mình.
Khoảng 13 giờ ngày 7-11, Nguyễn Đăng C.T (SN 1986, ngụ P4, Q.Gò Vấp) điều khiển xe máy một mình dạo quanh các tuyến đường ở TPHCM để tìm các tiệm vàng có người lớn tuổi đứng bán nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi T đang lưu thông trên đường Lê Thạch, P13, Q4 thì phát hiện bà Trần Hường (SN 1960) đứng ở quầy bán vàng Kim Tài Thảo nên nảy sinh ý định lừa đảo bằng hình thức mua vàng và dùng thủ đoạn chuyển khoản qua Website ngân hàng, khác hệ thống.
T dựng xe trước tiệm vàng Kim Tài Thảo và đi vào gặp bà Hường đang đứng trong quầy bán vàng. T trao đổi với bà Hường về giá vàng hiện nay và sau đó giả vờ mua 6 chỉ vàng 24k loại nhẫn trơn (gồm 3 nhẫn, mỗi nhẫn trọng lượng 2 chỉ) với tổng số tiền 30,84 triệu đồng.
T viện lý do không đủ tiền mặt để trả nên yêu cầu thanh toán qua hình thức chuyển khoản ngân hàng. Bà Hường đồng ý nên yêu cầu chị Dương Thanh Thảo (SN 1994, ngụ cùng địa chỉ) là người đứng giấy phép kinh doanh tại tiệm vàng Kim Tài Thảo ra gặp T để thực hiện giao dịch.
T yêu cầu Thảo đưa số tài khoản khác ngân hàng để T đặt lệnh giao dịch chuyển tiền trên Website tài khoản ngân hàng Vietcombank chuyển vào tài khoản ngân hàng ACB của chủ tài khoản tên Dương Thanh Thảo.
Lúc này, tài khoản ngân hàng Vietcombank do T đứng tên chủ thẻ không có tiền nhưng T vẫn đặt lệnh chuyển tiền qua tài khoản của chị Thảo để ngân hàng báo giao dịch đã thực hiện và Thảo tin rằng đã giao dịch xong. Đồng thời, T biết được nếu chuyển khoản qua Website khác ngân hàng thì số tiền chuyển qua tài khoản sẽ chậm hơn so với hình thức chuyển khoản nhanh 24/7.
T dùng điện thoại để giao dịch chuyển khoản. Sau khi giao dịch đã thực hiện thì chị Thảo dùng ĐTDĐ chụp lại màn hình điện thoại của T.
T đi ra khỏi tiệm vàng lấy xe máy đi về nhà tại P.4, Q.Gò Vấp mà không hề bị nghi ngờ. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, T đã cầm 6 chỉ vàng trên đem bán tại tiệm vàng Kim Phát Bà Chiểu (đường Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Bình Thạnh) với số tiền 30,3 triệu đồng.
Đến khoảng 17 giờ ngày 8-11, T về nhà mẹ ruột ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để lấy các loại giấy tờ cá nhân và tiêu xài hết số tiền trên. Khoảng 21 giờ cùng ngày, chồng T gọi điện cho biết có Công an đến nhà tìm hỏi vụ việc mua vàng ở Q4. Lúc này, T lấy điện thoại kiểm tra giao dịch ngân hàng Vietcombank thì phát hiện tin nhắn chủ tiệm vàng “nhờ chuyển lại giúp em tiền 6 chỉ vàng 24k”, có số điện thoại 0902.089.xxx.
T dùng số điện thoại giả bộ gọi vào số máy của chị Thảo thì chị này cho biết chưa nhận được tiền. T tiếp tục giả bộ nói Thảo để kiểm tra lại ngân hàng nếu xảy ra lỗi, không chuyển được thì T sẽ chuyển khoản thanh toán tiền mua vàng vào ngày hôm sau.
Lúc này, do trong tài khoản ngân hàng Vietcombank của T không có tiền, lại được chồng cho biết có cơ quan công an đến nhà tìm, lo sợ bị công an bắt nên T đã mượn tiền bạn bè để trả tiền mua vàng cho chị Thảo vào ngày 9-11 và đến Công an Q4 trình diện.
Tại Công an Q4, đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội với thủ đoạn như đã nêu trên.
Cơ quan điều tra Công an Q4 tiến hành chở đương sự T đến ngân hàng Vietcombank để sao kê tài khoản giao dịch vào ngày 7-11. Kết quả tài khoản ngân hàng Vietcombank có biến động về tài sản, chuyển vào, chuyển ra nhưng biến động về tài sản không đủ để thanh toán tiền mua vàng tại cửa hàng Kim Tài Thảo. Đồng thời, số tiền biến động về tài sản cuối ngày 7-11 của T chỉ có 364000 đồng. Nếu nhìn chi tiết phần ngân hàng hủy lệnh chuyển tiền, thì ngày tạo lệnh là 7-11 và ngày hiệu lực là 8-11, nên người bán không nhìn kỹ sẽ dễ bị lừa.
Cơ quan điều tra Công an Q4 đề nghị, ai còn bị T lừa đảo với hình thức, thủ đoạn như trên nhanh chóng đến Công an Q4 để cung cấp thông tin.