Lào Cai: Chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:12, 11/11/2021
Những ngày này, nông dân các xã vùng cao của Thị xã Sa Pa đang thực hiện việc quan trọng của nhà nông. Đó là che chắn chuồng trại và phơi rơm rạ tích trữ thức ăn cho gia súc. Chị Giàng Thị Mẩy, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa( Lào Cai) cho biết: Gia đình chị có 8 con trâu, đây là tài sản lớn nhất của gia đình và cũng là nguồn cung cấp sức lao động phục vụ sản xuất. Do vậy việc chăm sóc che chắn chuồng trại, đặc biệt lo thức ăn cho đàn trâu khi mùa đông đang tới được gia đình chuẩn bị rất kỹ. Ngoài lượng rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa đã được phơi khô cất trữ trong kho thì gia đình tôi còn trồng thêm mấy sào cây ngô dày để làm thức ăn xanh cho trâu khi mùa đông đến.
Theo chị Mẩy, mùa đông tại Sa Pa rất rét, có những khi nên nhiệt xuống đến không độ C do vậy thức ăn cho trâu trong mùa đông cần đảm bảo cả ba loại đó là thức ăn khô, thức ăn xanh và tinh bột. Gia đình đã tính toán để tích trữ đủ lượng thức ăn khô bằng rơm. Còn thức ăn tươi tôi trồng ngô khai thác lá, thân cây làm thức ăn xanh. Việc bổ sung thức ăn tinh là các loại cám gạo, cám ngô. Có như vậy mới đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trâu trong những ngày giá lạnh cần nhiều năng lượng.
Người dân chủ động tích trữ rơm rạ đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc của gia đình trong mùa đông giá rét |
Theo Báo cáo của UBND xã Thanh Bình cho biết: Là xã vùng cao với địa hình chủ yếu là đồi núi đá, thời tiết ở đây rất lạnh về mùa đông. Thanh Bình là xã có tổng số gia súc lớn nhất của thị xã Sa Pa với 2.176 con gia súc. Nếu duy trì việc chăn thả rông gia súc như trước đây thường sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh trưởng của trâu, bò. Chính vì vậy, việc bảo đảm thức ăn và phòng bệnh cho đàn gia súc trong mùa đông là nhiệm vụ trọng tâm được xã ưu tiên thực hiện hàng năm. Bên cạnh vận động nhân dân chủ động trồng cỏ thì chúng tôi cũng đã hướng dẫn bà con tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, thân cây ngô, bi ngô dự trữ từ đầu mùa.
Cũng như nhiều hộ chăn nuôi của xã Thanh Bình, Sa Pa người chăn nuôi của xã Pha Long, Mường Khương nơi có thế mạnh về phát triển chăn nuôi gia súc, người dân cũng đã chuẩn bị đầy đủ lượng thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò trước khi mùa đông đến. Xã Pha Long có tổng đàn đại gia súc trên 1.200 con, đây là địa phương có quy mô đàn gia súc lớn của huyện Mường Khương. Tuy nhiên đây cũng là xã có thời tiết mùa đông vô cùng khắc nghiệt, có năm nhiệt độ xuống thấp tới 3-4 độ C.
Nuôi nhốt trong chuồng và trồng cỏ xanh là phương an được người dân lựa chọn khi chống rét cho đàn gia súc |
Ông Lù Chí Cường, Phó chủ tịch UBND xã Pha Long khẳng định: Mô hình một chuồng nuôi nhốt, một kho rơm được hộ nuôi gia súc trong xã thực hiện nhiều năm nay. Hiện trên 95% số hộ chăn nuôi gia súc lớn trên địa bàn xã đã tích trữ được nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông. Chính sự chủ động của người chăn nuôi đã bảo đảm cho đàn trâu, bò phát triển tốt. Nhiều năm qua xã không có tình trạng trâu, bò bị chết đói, chết rét do thiếu thức ăn.
Theo tổng hợp của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai hiện trên địa bàn tổng đàn gia súc của toàn tỉnh là 141.791 con trong đó trâu đạt 112.297 con, đàn bò 21.703 con, đàn ngựa 7.791 con. Đã có hơn 90% tổng số hộ chăn nuôi toàn tỉnh có chuồng trại đảm bảo phòng chống đói rét, trên 93% số hộ dự trữ thức ăn đáp ứng từ 50 – 90% nhu cầu thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Ngoài ra các hộ ở các xã vùng cao còn một nguồn thức ăn thô tương đối nhiều là vỏ bắp ngô cũng có thể tận dụng cung cấp thức ăn thô cho gia súc.
Công tác phòng, chống đói rét cho gia súc đang được các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn huyện triển khai thực hiện hiệu quả. Để đảm bảo chất lượng thức ăn thô (rơm, cỏ khô, bi ngô…) cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện, thị xã thường xuyên xuống tận nơi hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân. Qua đánh giá, cơ bản các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã có chuồng trại kiên cố, dự trữ đủ lượng thức ăn trong mùa đông. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết vùng cao, cơ quan chuyên môn phải thường xuyên đôn đốc, tuyên truyền hộ dân không lơ là, chủ quan và thực hiện tốt nhất các biện pháp bảo vệ đàn gia súc./.