Bộ trưởng GD&ĐT: 'Đọc chép văn mẫu cho học sinh học thuộc là rất tai hại'
Xã hội - Ngày đăng : 12:08, 11/11/2021
Video: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 'Đọc chép văn mẫu cho học sinh học thuộc là rất tai hại'
Ngày 11/11, Quốc hội bước vào phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tại phiên họp, các đại biểu Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum), Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu), Nguyễn Thị Quyên Thanh (đào Vĩnh Long) chất vấn các nội dung về giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức đọc, chép văn mẫu cho học sinh học thuộc; giải pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch; bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, chất lượng dạy và học do tác động của dịch bệnh.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh.
"Bộ GD&ĐT đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ văn theo văn mẫu. Bởi vì, việc dạy môn Ngữ văn theo hình thức đọc, chép văn mẫu cho học sinh học thuộc là rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học.
Ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời kiểm tra, đánh giá toàn diện để giải quyết vấn đề này", ông Sơn nói.
Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã phải ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.
Bộ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09 quy định cụ thể về dạy và học trực tuyến, số giờ được dạy ở các cấp, các lớp.
Ông đề nghị Sở GD&ĐT, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này.
Báo cáo Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
"Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể xiết", Ông Sơn cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành giáo dục và đào tạo chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Quang Tuyền - Xuân Trường