Livestream bán hàng kiếm tiền tỉ nhưng nộp thuế 0 đồng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:14, 11/11/2021

Các chiêu trò trốn thuế trong kinh doanh bán hàng online ngày càng tinh vi, vòng vèo, phức tạp hơn nhằm qua mặt cơ quan thuế.

Mặc dù cơ quan thuế các tỉnh, thành đang đẩy mạnh truy vết người bán hàng online qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) và qua ngân hàng để thu thuế nhưng những người bán hàng online vẫn có nhiều cách để giấu thông tin, doanh thu. Đáng chú ý, trước đây các Facebook chuyên bán hàng thường công khai giá bán, số tài khoản nhận tiền… nhưng hiện nay nhiều thông tin bị ẩn, hoạt động kín đáo hơn để tránh sự chú ý của cơ quan thuế.

Tạm ẩn, xóa livestream trực tiếp… khỏi trang Facebook

Trang Facebook của NNCB chuyên livestream bán các sản phẩm từ quần áo, túi xách tới đồ gia dụng, thu hút hàng trăm người bình luận và đặt mua hàng. Thậm chí có buổi livestream bán hàng của trang này thu hút cả chục ngàn lượt xem với rất nhiều đơn đặt hàng khủng. Thế nhưng ngay sau thời điểm livestream, người bán nhanh chóng xóa hoặc tạm ẩn phần livestream trực tiếp khỏi trang Facebook của mình, đồng thời đăng những nội dung không liên quan tới bán hàng.

Trong vai người tiêu dùng, sau khi bình luận đặt hàng, chúng tôi được chủ tài khoản hướng dẫn chọn hai hình thức thanh toán: Trả tiền mặt cho bên giao hàng hoặc chuyển khoản. Tuy nhiên, số tài khoản nhận tiền lại là của một người khác (được giới thiệu là nhân viên) mà không phải là người đứng ra bán hàng. Khi thanh toán, chúng tôi còn được yêu cầu ghi tên Facebook kèm số điện thoại và nội dung chuyển tiền hàng.

Ông Đức Tuấn, một người có kinh nghiệm bán hàng online nhiều năm, tiết lộ rằng những trang Facebook có lượng người theo dõi livestream tới hàng ngàn người cùng hàng trăm bình luận thì doanh thu mỗi tháng có thể lên đến hàng tỉ đồng. Đặc biệt, các trang Facebook thu hút hàng chục ngàn lượt xem mỗi lần livestream, doanh thu có thể lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng nộp thuế thì 0 đồng. Các trang bán hàng này thường được quản lý rất bài bản, có cả chục đến vài chục nhân viên chốt đơn.

“Họ thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, nhờ nhân viên giao hàng thu tiền hộ, khách nhận hàng mới trả tiền. Còn với hình thức chuyển khoản, họ dùng nhiều tài khoản cá nhân, khi chuyển khoản chỉ cần ghi nội dung tên tài khoản Facebook, không khi tên hàng hóa, chụp màn hình chuyển khoản là được” - ông Tuấn nói.

Dùng chiêu biếu, tặng, cho… để né thuế

Trong vai người mua SIM số đẹp có đuôi x444 với giá 13 triệu đồng và SIM có đuôi xx999 giá 386 triệu đồng, chúng tôi được Nguyễn Anh T, chủ nhân một trang Facebook, cho biết phương thức giao dịch hiện nay mà anh đang áp dụng là trực tiếp. Điều này có nghĩa là khách sẽ thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt chứ không thực hiện hình thức chuyển khoản khi giao dịch.

“Vì mình bán SIM số đẹp có giá trị cao nên giao dịch trực tiếp là cách yên tâm nhất về chất lượng SIM và giá cả. Mình có đội ngũ cộng tác viên ở khắp các tỉnh, thành nên bạn ở đâu cũng có thể tới tận nơi giao dịch” - anh T nói.

Không chỉ bán hàng trên Facebook, Zalo mới có các chiêu thức trốn thuế mà ngay cả người bán hàng thông qua sàn TMĐT cũng nghĩ ra đủ chiêu để né chiết khấu, né thuế. Từng lập công ty, mở mặt bằng kinh doanh nhưng hiện nay anh Minh Trường đã chuyển hẳn qua bán hàng trên sàn TMĐT vì không tốn chi phí mặt bằng, không đăng ký kinh doanh mà lại tiếp cận được nhiều nguồn khách hàng.

Livestream bán hàng kiếm tiền tỉ nhưng nộp thuế 0 đồng
Khách hàng tìm mua các sản phẩm quần áo, túi xách thông qua các trang livestream bán hàng trên mạng xã hội.

Anh Trường thừa nhận hiện nay ngoài việc đóng tiền “hoa hồng” cho sàn thì anh không phải chi trả bất cứ khoản thuế nào. Người này còn tiết lộ giới kinh doanh qua mạng đều dùng các chiêu như chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản mua hàng, không công khai tài khoản ngân hàng, lấy tiền mặt thay vì chuyển khoản…

Chỉ 30% nộp thuế đầy đủ
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số kênh, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.

“Giới bán hàng qua sàn còn có chiêu thức né hoa hồng bằng cách cho khách hàng số Zalo để “hỗ trợ nhanh nhất”. Theo đó, người bán sẽ tư vấn bán thêm các sản phẩm và hỗ trợ phí ship hệt như các sàn” - anh Trường nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số người bán hàng online còn yêu cầu người mua khi chuyển khoản tiền hàng chỉ cần ghi tên Facebook “biếu, tặng, cho, chúc mừng…” để trốn thuế.

Nhiều giải pháp nhưng vẫn khó

Bình luận về những chiêu thức trốn thuế trên online xuất hiện trong thời gian gần đây, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng “đây là những hình thức trốn thuế của người bán hàng online khi có quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế”. Cụ thể, những người kinh doanh online né thuế bằng cách thu tiền mặt, không ghi nội dung giao dịch hoặc ghi “cho, biếu, tặng…” thì ngành thuế khó kiểm tra, khó thu.

“Theo quy định hiện hành, người được cho, tặng tiền không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trừ những tài sản như chứng khoán hoặc vốn trong các tổ chức kinh tế, bất động sản. Do đó, người kinh doanh online đã nghĩ ra cách biếu, cho, tặng… để né thuế. Vì vậy, cơ quan thuế cần nghiên cứu giải pháp để kiểm soát” - ông Sơn giải thích.

Vị chuyên gia này cũng đề nghị cơ quan thuế tập trung theo dõi các “cá mập” kinh doanh lớn trên mạng có doanh thu khủng. Ngoài ra, cơ quan thuế nên xử lý một vài trường hợp kinh doanh trên mạng có doanh thu cao mà không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế để răn đe những chủ tài khoản khác.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cũng cho biết hiện nay đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online trên các trang mạng xã hội cũng như trên các sàn TMĐT. Đơn cử như Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế.

Livestream bán hàng kiếm tiền tỉ nhưng nộp thuế 0 đồng
Livestream bán các sản phẩm từ quần áo, túi xách tới đồ gia dụng. Ảnh: TH

Tuy nhiên, ông Xoa đánh giá những giải pháp này vẫn chưa được thực hiện quyết liệt và rất khó triển khai nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan. Chẳng hạn quy định các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế, hiện nay mới chỉ thí điểm ở bốn ngân hàng quốc doanh kết nối dữ liệu với Tổng cục Thuế.

Vị chuyên gia thuế này cũng cho rằng quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả giao dịch mua bán hàng hóa từ ngày 1-7-2022 có thể được xem là giải pháp khá hiệu quả để kiểm soát hoạt động mua bán hàng online. Bởi để tìm hiểu doanh thu thực của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì cách dễ nhất là căn cứ vào việc xuất hóa đơn thực.

Sẽ truy thu thuế qua công ty giao nhận
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết đơn vị này sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra các công ty giao nhận để từ đó nắm được doanh thu, thông tin người bán hàng qua mạng và truy thu thuế. Lý do là hiện nay bán hàng qua mạng phổ biến theo hình thức ship COD, tức giao hàng nhận tiền qua bưu điện và các công ty giao nhận.
Trường hợp người mua chuyển khoản thì thông qua các công ty giao nhận, cơ quan thuế cũng nắm được thông tin người bán hàng để xử lý truy thu. Qua việc truy thu này cũng đánh động dư luận để các cá nhân tự giác nộp thuế.
“Ngoài ra, cơ quan thuế tiến hành truy vết trên mạng, qua đó nắm được tên, số tài khoản và truy thông tin từ ngân hàng. Từ đó yêu cầu các cá nhân kê khai và nộp thuế” - đại diện Cục Thuế TP.HCM thông tin.
Thực tế thời gian qua Cục Thuế TP.HCM đã phát hiện nhiều trường hợp cá nhân có thu nhập khủng từ kinh doanh qua mạng hoặc phát sinh doanh thu từ YouTube cá nhân nhưng “quên” kê khai thuế. Điển hình như một cá nhân kênh YouTube có thu nhập 19 tỉ đồng từ năm 2016 đến 2018; một trường hợp khác có thu nhập 41 tỉ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong hai năm 2016 và 2017.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho hay có trường hợp cá nhân tự giác kê khai và nộp thuế nhưng cũng có trường hợp khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện và truy thu theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa được đồng bộ, nhịp nhàng dẫn đến nguồn thông tin cho công tác quản lý thuế chưa đầy đủ, chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này.