'Đặt cược' 1 tỷ USD cứu ông lớn lỗ nghìn tỷ: Cha con đại gia sụp đổ, ông bầu mới lộ diện

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:43, 11/11/2021

Nhóm cổ đông lớn dần lộ diện tại doanh nghiệp từng số 1 trong ngành gỗ Việt Nam. Hai ông bầu và tỷ phú số 1 Việt Nam đổ tiền vực dậy một DN gỗ hàng đầu Việt Nam.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố thông tin cho biết, ông Võ Quốc Lợi - thành viên HĐQT công ty đã mua thành công 1 triệu cổ phần TTF trong khoảng thời gian từ ngày 4-9/11 và nâng lượng cổ phần nắm giữ tại TTF lên hơn 1,3 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 0,42% vốn điều lệ.

Ông Võ Quốc Lợi (1988) là con trai của ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) - chủ tịch Đồng Tâm Group và từng là Chủ tịch HĐQT KienLongBank.

Gần đây, TTF có nhiều chuyển biến trong việc huy động vốn để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp gỗ từng là đầu ngành đã suy sụp dưới thời cha con ông Võ Trường Thành. Doanh nghiệp nợ nần chồng chất và giá cổ phiếu xuống dưới 2.000 đồng/cp.

Cổ phiếu TTF hồi phục khá mạnh trong vòng 1 năm qua sau khi doanh nhân Mai Hữu Tín đổ tiền vào vực dậy doanh nghiệp này. Sau 3 năm tụt giảm, sáng 11/11 cổ phiếu TTF đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10.000 đồng/cp.

Việc phát hành riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp cho nhóm cổ đông có tiếng là động lực lớn giúp doanh nghiệp này xóa nợ xấu và có thể vay ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá cổ phiếu có thể hồi phục nhanh chóng.

Vừa qua TTF cũng phát hành riêng lẻ 40,5 triệu cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ưu đãi hoán đổi nợ liên quan đến Tập đoàn Vingroup, đại diện bởi ông Bùi Hồng Minh.

Trước đó, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết đã thuyết phục được phía Vingroup chuyển khoản nợ này thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm.

'Đặt cược' 1 tỷ USD cứu ông lớn lỗ nghìn tỷ: Cha con đại gia sụp đổ, ông bầu mới lộ diện
Nhóm cổ đông Mai Hữu Tín và Bầu Thắng vào vực dậy Gỗ Trường Thành.

Tổng cộng, TTF dự kiến sẽ chào bán khoảng 100 triệu cổ phần mới, giá trị thu về 1.000 tỷ đồng với khoảng 600 tỷ hoán đổi nợ với Vingroup, 160 tỷ tất toán nợ quá hạn tại DongABank. Số tiền TTF thu về để đầu tư vào khoảng 240 tỷ đồng.

Trước đó, ông Mai Hữu Tín cho biết ông đặt cược rất lớn vào TTF với mục tiêu có thể thấp nhất 1 tỷ USD cho cuộc chơi này.

Gỗ Trường Thành được biết đến là doanh nghiệp gỗ đầu ngành tại Việt Nam, từng được tỷ phú số một Phạm Nhật Vượng nhòm ngó thâu tóm để phát triển thành một công ty con phục vụ cho các công trình xây dựng của Vingroup. Tuy nhiên, sau đó công ty con của Vingroup - Tân Liên Phát đã rút lui vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng về tình hình kinh doanh tại TTF, chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ.

Dưới thời của ông Võ Trường Thành và con trai Võ Diệp Văn Tuấn, Gỗ Trường Thành gần như sụp đổ vì nợ nần. Cha con ông trùm ngành gỗ mất toàn bộ cơ nghiệp có lẽ cũng vì ham hố đầu tư lớn, vượt quá sức của doanh nghiệp trong khi ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn, lao động và nguyên liệu trong nước không phải lúc nào cũng thuận.

Sau khi cổ đông lớn Tân Liên Phát tháo chạy, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín vào và vực lại TTF. Tuy nhiên, Gỗ Trường Thành vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2020, TTF còn lỗ lũy kế 2.984 tỷ đồng.

'Đặt cược' 1 tỷ USD cứu ông lớn lỗ nghìn tỷ: Cha con đại gia sụp đổ, ông bầu mới lộ diện
Diễn biến chỉ số VN-Index.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 11/11

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường. Chỉ số VN-Index tăng tiếp lên mức cao kỷ lục gần 1.470 điểm.

Theo MBS, chỉ số chung vẫn ở trạng thái dao động trong khi độ rộng thị trường vẫn tích cực, nhóm cổ phiếu bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí,…có thể là nhóm tín hiệu.

Theo Yuanta, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ còn tiếp tục điều chỉnh. Rủi ro trong ngắn hạn gia tăng đối với nhóm cổ phiếu vốn lớn. Hai chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps xác lập mức cao kỷ lục, nhưng cũng nhiều rủi ro ngắn hạn.

Còn theo VDSC, nhịp tăng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Do diễn biến phân hóa đang mạnh nên cần cơ cấu danh mục hợp lý.

Chốt phiên chiều 10/11, chỉ số VN-Index tăng 3,52 điểm lên 1.465,02 điểm. HNX-Index tăng 5,61 điểm lên 438,24 điểm. Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 109,66 điểm. Thanh khoản đạt 36,1 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.  Riêng sàn HOSE đạt hơn 29,7 nghìn tỷ đồng.

V. Hà