Việt Nam trung tâm điện gió, mặt trời châu Á: Rác thải đi về đâu?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:15, 11/11/2021

Điện gió, điện mặt trời đã có những bước tăng trưởng thần tốc ở Việt Nam nhưng cũng cần phải tính đến công tác xử lý rác thải từ loại hình năng lượng này khi thiết bị hết vòng đời.

Chiều 10/11, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (đơn vị tổ chức diễn đàn) và đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã chủ trì hội thảo chuyên đề số 4 với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nhận định các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ: Hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới”.

Việt Nam trung tâm điện gió, mặt trời châu Á: Rác thải đi về đâu?
Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam

Theo đó, tỷ lệ điện năng mặt trời chiếm khoảng 5,4-5,9% vào năm 2030, năm 2045 tăng lên đạt tỷ lệ 8,4%; đối với điện gió trên bờ và gần bờ, năm 2030, tỷ lệ điện năng gió trên bờ và gần bờ chiếm khoảng 6,5%; về điện gió ngoài khơi, đạt khoảng 2.000MW hoặc có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi vào năm 2030; đối với điện từ chất thải rắn, sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác, phấn đấu đến năm 2030, điện năng sản xuất từ các nguồn này đạt khoảng 0,9-1%, tăng lên 2,2-2,5% vào năm 2045.

"Qua các số liệu dự kiến trên cho thấy công suất nguồn và tỷ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn 2030-2045 với kỳ vọng của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển sẽ làm giảm mạnh suất đầu tư và giá thành điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo; chi phí điện quy dẫn (LCOE) của các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể thấp hơn các dự án điện sử dụng các dạng năng lượng truyền thống khi tính đủ các chi phí ngoại biên", lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

Nói về điện gió ngoài khơi, ông Mark Hutchinson, đại diện Hội đồng năng lượng gió toàn cầu cho rằng: Việt Nam có thể tạo ra không chỉ một ngành công nghiệp mới, mà còn hàng trăm nghìn việc làm và trở thành trung tâm mới đối với điện gió ngoài khơi ở châu Á nếu nó đi trước các nước khác: Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines.

Bày tỏ mối quan tâm đến việc xử lý "rác" điện mặt trời, điện gió sau khi hết thời gian vận hành, ông Đào Xuân Lai, đại diện UNDP cho biết: Luật nguồn Năng lượng Tái tạo của Đức năm 2017 quy định về cấm chôn lấp tuabin gió; yêu cầu công ty vận hành điện gió phải tháo dỡ công trình lắp đặt và loại bỏ tất cả các lớp đất bịt kín khi từ bỏ vĩnh viễn địa điểm.

Tại Vương quốc Anh, hầu hết các dự án điện gió sẽ phải có "trái phiếu ngừng hoạt động" với cơ quan lập kế hoạch địa phương tại thời điểm đồng ý lập kế hoạch để trang trải các chi phí ngừng hoạt động, thường là dưới dạng một điều kiện trong bước lập kế hoạch.

Theo ông Lai, thành phần chất thải điện gió và điện mặt trời nói chung là một phần của các dòng chất thải công nghiệp. Lượng chất thải khổng lồ lên tới hàng trăm nghìn tấn từ điện mặt trời và điện gió trong mười năm tới. Tấm quang điện và tuabin gió cuối vòng đời chứa các vật liệu có giá trị (thủy tinh, thép, nhôm, đồng, silica, kim loại hiếm,... ) mà việc tái chế và tái sử dụng cho phép tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên. Các tấm quang điện thải bỏ hiện được coi là chất thải nguy hại trừ phi các thành phần chứa vật liệu nguy hại không được loại bỏ và xử lý đúng cách.

Song, mặc dù Việt Nam đã có các quy định rõ ràng và cụ thể về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, cơ sở pháp lý cụ thể cho việc phân loại chất thải từ điện mặt trời và điện gió vẫn chưa có. Các tuabin gió do kích thước của chúng lớn, đòi hỏi phải có các quy định cụ thể để tháo dỡ và khôi phục địa điểm. Các thành phần được tháo dỡ từ tuabin gió đã thiết lập dây chuyền tái chế và không yêu cầu thêm kỹ thuật tách lớp.

Việc thu gom và xử lý chất thải còn thô sơ, chưa hoàn thiện trong khi việc thu gom và xử lý chất thải điện mặt trời và điện gió cần có quy trình đồng bộ, hiện đại, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Do đó, đại diện UNDP đề nghị phân loại chất thải và xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho quá trình tháo dỡ các tấm quang điện (văn bản hướng dẫn phân loại cho các dự án điện gió và điện mặt trời). Điện gió và điện mặt trời cần tuân thủ quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Thiết lập các hạn ngạch vật liệu riêng lẻ cần được tích hợp vào các mục tiêu tái chế và thu hồi tổng thể để đảm bảo quản lý bền vững đến cuối đời dự án; Hạn chế chôn lấp chất thải điện gió và điện mặt trời; đảm bảo một khung pháp lý hài hòa về chất thải bao gồm cả việc vận chuyển chất thải xuyên biên giới.

Hà Duy