Kinh hoàng tiểu thương livestream sản xuất mỹ phẩm theo công nghệ 'xô chậu', bán mỹ phẩm theo cân
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:27, 09/11/2021
Công khai sản xuất mỹ phẩm theo công nghệ "xô chậu", bán mỹ phẩm theo kg
Gõ cụm từ "kem trộn" trên mạng xã hội facebook, chỉ trong vài giây, đã cho rất nhiều kết quả về những nhà chuyên sản xuất, phân phối kem trộn, như: Kem trộn bà Vú; kem trộn Nguyễn Ngọc Tuyền; kem trộn Ngọc Tuyền Đồng Tháp; kem trộn Ngọc Tuyền Miền Tây; Vân kem trộn; kem trộn cốt Thái siêu trắng nhanh; kem trộn Huỳnh Lâm Diễm My…
Ngoài việc có từ hàng ngàn, đến hàng trăm ngàn lượt theo dõi, điểm chung của các "kênh" bán hàng này là đều chọn thời điểm livestream trên facebook vào các khung "giờ vàng".
Hình ảnh quen thuộc của các video được phát sóng công khai trên mạng xã hội là sản xuất mỹ phẩm hoàn toàn bằng công nghệ "xô chậu", không đồ bảo hộ, trang thiết bị sản xuất mỹ phẩm là những chiếc thau nhựa, muôi múc canh và máy đánh trứng…Kem trộn được sản xuất không theo bất cứ một tiêu chuẩn nào.
Tìm đến kênh "Kem trộn Ngọc Tuyền", "Kem trộn Ngọc Tuyền Đồng Tháp", người dùng mạng xã hội không khó để tìm thấy hàng loạt video đã được phát sóng trực tiếp.
Nội dung của những video này là ghi lại cảnh người phụ nữ tự giới thiệu tên Ngọc Tuyền với quy trình làm kem trộn của mình. Vừa giới thiệu về công dụng của kem trộn, tài khoản có tên là Ngọc Tuyền vừa dùng đôi tay trần thoăn thoắt đổ mỹ phẩm ở hàng trăm hũ nhỏ vào chung một chậu nhựa lớn, sau đó dùng máy đánh trứng đánh đều.
Khi thành phẩm được đánh đều, cũng là lúc người này vừa "chốt đơn" với khách đặt mua qua mạng, vừa dùng muôi múc kem trộn vào các hũ nhựa. Theo đó, ngoài "chốt" đơn lẻ, các kênh kem trộn này chủ yếu bán sỉ với số lượng ít nhất từ 5kg/lần lên đơn, với giá là 350.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu "chốt" sỉ trên livestream, giá có thể thấp hơn rất nhiều, chỉ từ 290.000 đồng/kg.
Theo Nghị định 93/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm nêu rõ về điều kiện để một cơ sở sản xuất mỹ phẩm hoạt động là phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (Điều 3) và để có Giấy chứng nhận này, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng điều kiện về nhân sự (có chuyên môn về hóa học, sinh học, dược học), có điều kiện về cơ sở vật chất (kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói, thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói, có khu vực riêng để bảo quản), và phải có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu: Quy trình sản xuất cho từng sản phẩm, có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm...
Cơ quan chức năng khó quản lý, khó kiểm soát
Theo Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT), thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm về mỹ phẩm. Trong đó có những cơ sở sản xuất mỹ phẩm theo hình thức thủ công, "xô chậu" với hàng tấn nguyên liệu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Điển hình, vào tháng 6/2021,lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội sản xuất, sang chiết hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi đựng trong các xô, chậu.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp...Ước tính ban đầu giá trị hàng hóa tại cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Chu Thị Thu Hương, thực tế trong quá trình thực hiện kiểm tra, kiểm soát trên thị trường cho thấy tình trạng giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang điện tử, việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số ngày càng đa dạng, phong phú. Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…
"Đây là loại hình kinh doanh rất khó quản lý, kiểm soát nhất là trong bối cảnh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số công chức Quản lý thị trường còn hạn chế chưa đồng đều hiện nay" Phó Tổng Cục trưởng Chu Thị Thu Hương chia sẻ.
Đặc biệt, hiện một số loại mỹ phẩm giả mạo nhãn hiện nhưng do không có mẫu thật, không có đại diện sở hữu nên không thể xử lý. Kinh phí trong giám định chất lượng mỹ phẩm rất hạn chế so với yêu cầu thực tế của công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm đảm bảo chất lượng ra lưu thông trên thị trường và để người tiêu dùng biết lựa chọn những sản phẩm có chất lượng.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý mỹ phẩm. Tổng cục QLTT cũng đề nghị đưa mặt hàng mỹ phẩm là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, tất cả hàng hóa mỹ phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường phải bắt buộc ghi số công bố mỹ phẩm trên nhãn hàng hóa.
Thông tin với PV, ông Võ Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình cho rằng, bên cạnh sự can thiệp, cảnh báo, xử phạt các hành vi phạm từ các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua các sản phẩm mỹ phẩm. Sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài phải có tem, nhãn phụ thể hiện bằng tiếng Việt, sản phẩm sản xuất trong nước phải có mã số, mã vạch và số công bố mỹ phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua tại các cửa hàng có uy tín, đừng vì ham khuyến mãi, giá rẻ mà vô tình tiếp tay cho các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả. Đặc biệt, khi mua hàng trên trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, cần lựa chọn đối tượng bán hàng uy tín để bảo đảm hiệu quả, an toàn. |
(Theo Gia Đình và Xã Hội)