Bác sĩ TP.HCM về miền Tây hỗ trợ tiêm chủng vắc xin Covid-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:15, 08/11/2021

Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) liên tiếp điều động nhân lực hỗ trợ Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau trong 1 tuần qua. Trong đó, có 10 đội tiêm về Cà Mau đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân.

Từ đầu dịch đến nay, 2 vợ chồng chị Hoàng Thị Tuấn Tình cùng công tác tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh dường như không có phút ngơi nghỉ. Chị Tình là điều dưỡng Khoa Tâm lý lâm sàng, liên tục tham gia lấy mẫu cộng đồng, chích ngừa vắc xin Covid-19. Chồng chị công tác tại Bệnh viện dã chiến đến nay vẫn chưa về.

Sáng ngày 8/11, chị Tình lại cùng đồng nghiệp lên đường đi Cà Mau hỗ trợ tỉnh bạn chống dịch. “Mình rất nhớ con, bé lớn 6 tuổi, bé nhỏ mới 3 tuổi thôi. Nhưng mình mong góp chút sức nhỏ bé để dịch sớm qua. Trước đây, Thành phố được các tỉnh giúp đỡ rất nhiều, bây giờ mình lại đi hỗ trợ thôi”, chị Tình chia sẻ trước chuyến đi.

bac-si-tp-hcm-ve-mien-tay-tiem-chung-vac-xin-covid-19.jpg
Điều dưỡng Hoàng Thị Tuấn Tình trước chuyến đi chi viện Cà Mau chống dịch Covid-19. 

Cùng lên đường chi viện với chị Tình là 50 nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, hỗ trợ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân Cà Mau. Theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức tiêm trong 10 ngày, từ 8/11 đến 18/11 với khoảng 480.000 liều vắc xin. Lực lượng y tế tham gia khoảng 1.455 người, bao gồm y tế địa phương và 10 đội tiêm của Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Đoàn sẽ hỗ trợ tiêm vắc xin tại các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Năm Căn với mục tiêu một ngày đạt công suất 1.000-1.200 liều tiêm/đội. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, dự kiến trong 5 ngày, đoàn sẽ thực hiện từ 45.000-50.000 mũi tiêm, đẩy nhanh độ phủ vắc xin Covid-19 của tỉnh Cà Mau.

bac-si-tp-hcm-ve-mien-tay-tiem-chung-vac-xin-covid-19-1.jpg
Ngoài nhân lực, Bệnh viện ở TP.HCM còn hỗ trợ các tỉnh Tây Nam Bộ trang thiết bị y tế.

Cũng trong hôm nay, các y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm của Bệnh viện cũng lên đường chi viện Bạc Liêu điều trị bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Lý Quốc Công, Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 TP Thủ Đức cho biết, đoàn sẽ tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến, triển khai hệ thống oxy lỏng tại các địa phương.

“Hiện Bạc Liêu đã vượt mốc 5.000 ca. Ở tỉnh hiện nay thiếu thốn rất nhiều, từ nhân lực đến thiết bị. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, quan trọng nhất là thiết lập được hệ thống oxy lỏng mới có thể cứu được nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất”, bác sĩ Công cho biết.

Trong đợt này, bệnh viện cũng hỗ trợ nhiều trang thiết bị, máy móc, thuốc điều trị Covid-19 cho Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Tại Kiên Giang, Bệnh viện Lê Văn Thịnh chi viện 3 bác sĩ và 5 điều dưỡng để hỗ trợ trong khu điều trị tại huyện Châu Thành.