Bỏ 400 triệu USD nhập khẩu thịt lợn: Dân Việt ăn hàng từ Thái tới Brazil

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:30, 07/11/2021

Trong vòng 9 tháng năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam chi gần 400 triệu USD nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ và nhập khẩu thịt lợn tươi, đông lạnh từ các nước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2021, có khoảng 350 ngàn con lợn sống được nhập khẩu từ Thái Lan về giết mổ, tăng trên 52%; cùng với đó, gần 183 ngàn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu về Việt Nam, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Với thịt lợn nhập khẩu, Nga, Đức, Brazil và Canada là 4 thị trường cung cấp lượng thịt lớn lớn rất vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2021.

Tổng giá trị nhập khẩu lợn sống và thịt lợn trong 9 tháng năm 2021 lên tới gần 398,3 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu lợn sống đạt 104,5 triệu USD, tăng 60,2%; thịt lợn các loại đạt 293,8, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bỏ 400 triệu USD nhập khẩu thịt lợn: Dân Việt ăn hàng từ Thái tới Brazil
Trong 9 tháng năm 2021, có hơn 350 ngàn con lợn sống Thái Lan được nhập khẩu về Việt Nam để giết mổ (ảnh: NG)

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn ồ ạt về Việt Nam là một phần nguyên nhân dẫn đến giá lợn hơi trong nước lao dốc. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT, tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Thế nên, có thể khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến  giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cuối tháng 10 cũng thông tin, thời điểm 3-4/2021, giá lợn hơi từ 70.000-75.000 đồng/kg, đến tháng 8-9/2021 giảm còn 42.000-50.000 đồng/kg. Sang nửa đầu tháng 10, giá lợn hơi có thời điểm chạm đáy, chỉ khoảng 30.000 đồng/kg với lợn quá lứa.

Nguyên nhận được nhận định là do dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm từ 30-50%.

Đến nay, tuy các tỉnh, thành đã trở lại trạng thái bình thường, nhưng lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở với công suất hạn chế nên lượng tiêu thụ hạn chế... Do đó, giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Cục Chăn nuôi, do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%, tương đương khoảng 1,5 triệu con.

Những ngày này, giá lợn hơi xuất chuồng dao động ở mức 44.000-49.000 đồng/kg, dù đã tăng khá mạnh so với nửa đầu tháng 10 nhưng người chăn nuôi vẫn đang lỗ nặng.

T.A