Sức mạnh tàu khu trục lớp Murasame của Nhật Bản đang thăm Việt Nam

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:10, 06/11/2021

Tàu tàu khu trục lớp Murasame của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản có nhiệm vụ chống ngầm, phòng thủ cho các đoàn tàu vận tải và tàu đổ bộ, bảo vệ lãnh hải và giải quyết các nhiệm vụ phòng không khác.

Trong quá trình phát triển khái niệm “Hạm đội 8-8”, quy định đội hình tác chiến chính của lực lượng hộ tống hạm đội gồm 8 tàu chiến (1 tàu sân bay trực thăng, 2 tàu hộ vệ tên lửa và 5 tàu khu trục), Nhật Bản đã quyết định đóng một loạt các tàu khu trục lớp Murasame.

Đây là lớp tàu khu trục tiếp theo của các tàu chiến lớp Asagiri. So với người tiền nhiệm, thiết kế khu trục hạm lớp Murasame sử dụng bề mặt nghiêng theo cấu trúc thượng tầng tương tự như tàu khu trục tên lửa của Mỹ. Tàu được thiết kế để phòng thủ chống ngầm cho các đoàn tàu vận tải và phân đội tàu đổ bộ, và chống lại tàu chiến của đối phương, bảo vệ lãnh hải và giải quyết các nhiệm vụ phòng không khác.

Tàu hộ vệ Murasame (DD 101) là chiến hạm đầu tiên của lớp Murasame. Ảnh: JSDF

Năm 1991, nhà máy đóng tàu Ishikawajima-Harima Industries ở Tokyo bắt đầu đóng 9 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Murasame cho Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JSDF). Những con tàu này là một phần quan trọng trong lực lượng hộ tống của JSDF. Con tàu đầu tiên thuộc lớp này là Murasame (DD 101), được đặt đóng năm 1993 và bàn giao cho JSDF vào năm 1996.

Thân tàu khu trục lớp Murasame, có hình chữ V cổ điển, là một bước phát triển tiếp theo của thân tàu kiểu Asagiri, được làm bằng thép hợp kim cao theo chiều dọc và ngang. Để giảm mức vật chất trong quá trình chế tạo, các thành tựu của công nghệ tàng hình đã được áp dụng. Đặc biệt, phần thân được chế tạo với các góc nghiêng, nhằm tăng khả năng chịu lực. Các cấu trúc thượng tầng khác được phủ lớp vật liệu mới, có khả năng hấp thụ sóng vô tuyến.

Đặc điểm thiết kế của tàu khu trục lớp Murasame giúp nó có khả năng đi biển dài ngày và chịu được điều kiện khắc nghiệt của đại dương. Tàu có chiều dài 150,8m, rộng 17m, lượng choán nước tiêu chuẩn 4.400 tấn.

Trang bị điện tử của tàu gồm có 1 radar ba tọa độ OPS-24 phát hiện mục tiêu trên không, 1 radar hai tọa độ OPS-28D để phát hiện mục tiêu bề mặt. Đồng thời có 2 radar điều khiển hỏa lực, cùng với đài dẫn đường vô tuyến URN-25 TAKAN, thiết bị thu định vị vô tuyến NAVSTAR và các máy thu RNS Decca, Omega và Lorak.

Hệ thống vũ khí trang bị trên tàu khu trục lớp Murasame. Ảnh: JSDF

Tàu được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử NOLQ-2, các trạm gây nhiễu OLT-3, hệ thống đối phó thủy âm chống ngư lôi SLQ-25 và 4 bệ phóng MkZb Super RBOK loại 6 nòng. Tàu khu trục lớp Murasame được trang bị đường dây truyền dữ liệu tốc độ cao, tự động trao đổi thông tin với các hệ thống liên lạc ven biển, máy bay cảnh báo sớm và các tàu chiến khác.

Lớp Murasame là loại tàu chiến đấu đa năng, trong quá trình phát triển, đơn vị chế tạo rất chú trọng đến việc tự động hóa hoạt động của các hệ thống trên tàu. Điều này khiến thủy thủ đoàn giảm xuống còn 165 người. Nhà máy phát điện của tàu bao gồm 4 động cơ tuabin khí, cho phép đạt tốc độ tối đa trên 54 km/giờ và có thể di chuyển hơn 8.300km với tốc độ hơn 32km/giờ.

Theo hợp đồng giữa Lockheed Martin của Mỹ và Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản (hãng sau này đã lắp ráp và thử nghiệm hệ thống vũ khí chính của các tàu khu trục lớp Murasame), các bệ phóng thẳng đứng Mk 41 được lắp đặt trên các bộ phận của con tàu, và có thể phóng một số các loại tên lửa khác nhau.

Ở giữa thân tàu có bố trí bệ phóng Mk 48 dùng cho tên lửa RIM-7M Sea Sparrow, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi chống ngầm Mod 5 “Melara Compact”. Ngoài ra, một máy bay trực thăng chống ngầm SH-60J được trang bị cho tàu khu trục lớp Murasame. Phía trước và phía trên nhà chứa máy bay trực thăng có 2 khẩu pháo phòng không tầm ngắn 20mm, được thiết kế để tăng cường khả năng tự vệ trên tàu.

Theo chính sách của chính phủ Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ biển nước này có thể gửi các tàu chiến đến Ấn Độ Dương để hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố và cướp biển. Từ năm 2001 đến nay, các tàu khu trục lớp Murasame đã được điều đến Ấn Độ Dương để thu thập thông tin về hàng hải trong khu vực và tham gia cuộc tập trận chung và với các nước đối tác.

Từ ngày 5 đến 7-11, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, tàu hộ vệ Murasame (DD-101) và Kaga thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, cùng 581 sĩ quan và thủy thủ đoàn thăm thông thường cảng quốc tế Cam Ranh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, tàu hộ vệ Murasame (DD-101)và Kaga sẽ thực hiện việc tiếp nhận hậu cần, bảo đảm kỹ thuật và phối hợp với Hải quân nhân dân Việt Nam tổ chức luyện tập chung hàng hải song phương. 

MINH TUẤN (tổng hợp)