Bộ ảnh xinh đập tan quan điểm du lịch Huế "buồn và chán"
Du lịch online - Ngày đăng : 11:31, 05/11/2021
Trải qua trăm năm thăng trầm lịch sử, những gì đọng lại biến Huế trở thành mảnh đất níu kéo thời gian, đi đến đây phải sống chậm để tận hưởng không khí yên bình, thanh tịnh. Huế còn được thiên nhiên ưu ái khi nằm lọt thỏm giữa muôn vàn cảnh đẹp của biển, sông, núi, đèo…
Travel blogger Ngân Bella (@nganbella1996) mời gọi mọi người hãy đến Huế thương sau chuỗi ngày bó chân cột nhà, tự thưởng cho mình một cuộc dạo chơi bình yên, chẳng hề vội vã, chậm rãi thưởng thức vẻ đẹp của mảnh đất kinh kỳ.
Cung An Định nằm ở bờ bắc sông An Cựu, tiền thân là phủ An Định - một công trình bằng gỗ được xây dựng vào năm 1902, mang kiến trúc giao thoa Đông - Tây sang trọng và cổ kính.
Đây là nơi ở riêng của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (con vua Đồng Khánh) khi tròn 18 tuổi. Đây là một trong những công trình cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn và gắn với nhiều biến động lịch sử liên quan đến hoàng tộc.
Cung từng được sử dụng làm bối cảnh quay phim điện ảnh Gái Già Lắm Chiêu với những góc mắt đẹp đến nao lòng. Vé vào cổng 50.000đ/người, du khách có thể chụp ảnh thoải mái ở bên ngoài nhưng không được phép vào bên trong.
Đại Nội Huế là một phần trong quần thể di tích Cố đô Huế, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của triều đại nhà Nguyễn, tổ chức UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Đại Nội Huế chính là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của vua chúa Nguyễn cùng triều đình phong kiến cuối cùng của nước ta. Đây được xem là một công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay, có quá trình xây dựng kéo dài trăm năm với hàng vạn người thi công.
Vé vào cổng là 150.000đ/người. Đây cũng là địa điểm quay MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” của Hòa Minzy rất đẹp.
Chùa Thiên Mụ được ví như linh hồn của Huế. Ngôi chùa 400 tuổi tọa lạc trên ngọn đồi Hạ Khuê, cách trung tâm thành phố 5 km về phía Tây. Phía chính diện của chùa là dòng sông Hương thơ mộng với phong cảnh lãng mạn, hữu tình.
Ngân Bella nhắn nhủ: “Người ta đồn ai yêu nhau đi chùa này về là chia tay, còn mình chỉ nhớ kế bên chùa có quán cô bán bánh bột lọc siêu ngon.”
Làng hương Thủy Xuân được biết đến với nghề làm hương truyền thống lâu đời ở xứ Huế. Là làng nghề 700 năm giữa lòng cố đô, nơi đây thu hút đông đảo du khách, nhất là những tín đồ sống ảo bởi khung cảnh rực rỡ của những bó nhang đa sắc xanh, đỏ, tím, vàng.
Để đến được đây, bạn hãy tìm con đường Huyền Trân Công Chúa, gần đồi Vọng Cảnh Huế, lăng Tự Đức, cách trung tâm thành phố 7 km về hướng Tây Nam. Nơi đây không thu vé vào cổng, người dân rất thân thiện, luôn tạo điều kiện để khách có được những bức ảnh đẹp nhất.
Lăng Minh Mạng ngày nay vẫn giữ nguyên cho mình nét đẹp rất truyền thống, rất cổ xưa và đậm đà màu sắc của Nho giáo. Công trình tọa lạc trên ngọn núi Cẩm Khê, đây là nơi giao thoa nữa hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp lại thành sông Hương mộng mơ.
Bên trong quần thể còn có hồ nước, cầu đá và rất nhiều mảng xanh. Có thể nói vẻ đẹp của lăng Minh Mạng ở Huế là sự kết hợp của màu sắc cổ điển, truyền thống, đậm chất Nho giáo nhưng vẫn không mất đi cái thi vị, lãng mạn và chất thơ ca.
Giá vé vào cổng là 100.000 đồng/người. Hãy mang theo máy ảnh chuyên nghiệp để khai thác hết mọi góc chụp tại đây.
Lăng Tự Đức là nơi yên nghỉ của ông vua thi sĩ. Với kiến trúc mang đậm nét tinh tế, bao bọc bởi một không gian xanh mượt của núi rừng cây cỏ, lăng Tự Đức được xây dựng phù hợp với một tâm hồn thi sĩ lãng mạn, mộng mơ nhưng không kém phần uyên bác.
Lăng được xây dựng thể hiện rõ nét con người của nhà vua thời nhà Nguyễn, có sự uy nghiêm, uy quyền nhưng không kém phần nhẹ nhàng, thanh thoát, đầy chất văn thơ, nghệ sĩ.
Những đầm sen bát ngát, những cây cầu nhỏ nhỏ bắc qua hồ, những khu đến chùa miếu mạo ngập mùi khói hương nghi ngút,… chắc chắc sẽ khiến cho khách du lịch có một chuyến đi không thể nào quên.
Giá vé vào cổng là 100.000 đồng/người. Đừng quên ghé hồ nước để tạo dáng với những chú cá sặc sỡ sắc màu.
Blogger chia sẻ thêm về ẩm thực tại Huế trong chuyến đi của mình: “Bún bò Mệ Kéo, bánh cuốn tôm chua Mệ Hạnh, bún mắm nêm O Bê, bún Giấm Nuốc ở đường Chi Lăng, bánh ướt thịt nướng Huyền Anh, bánh mì O Tho, Chè heo quay Ngọc Hiến,... đặc biệt cảm nhận của mình là đồ ăn Huế rất rẻ và ngon.”
Thời gian dần về cuối năm, Huế bước vào mùa mưa - cơn mưa đặc trưng của xứ sở này. Tuy vậy, nếu muốn khám phá các đền đài, lăng tẩm cũng như các điểm du lịch nổi tiếng khác ở Huế thì có thể đến bất kì mùa nào, bởi lẽ vẻ đẹp kiến trúc, sự cổ kính của nơi đây luôn tồn tại tất cả các mùa, mỗi mùa đều có một vẻ đẹp riêng, ngập tràn hoài niệm.