Quán bar ở phố Tây Bùi Viện thành hàng ốc, cơm tấm

Ẩm thực - Ngày đăng : 09:25, 06/11/2021

Khi các quán bar chuyển đổi mô hình kinh doanh, bartender phải học cách ép rau má, pha trà sữa, còn nhân viên phục vụ giờ đây kiêm luôn đứng bếp nướng thịt, xào ốc.

Trở lại khu phố Tây Bùi Viện sau gần nửa năm, Thu Uyên (29 tuổi) không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của một trong những khu vực ăn chơi nổi tiếng của TP.HCM.

Hơn một nửa các quán bar vẫn đóng cửa im lìm. Nhiều nơi treo biển rao bán, sang mặt bằng. Trong khi đó, một vài cửa hàng đã sáng đèn, dọn sẵn bàn ghế, mở nhạc sôi động nhưng chuyển đổi sang bán từ cơm tấm, ốc cho đến xiên que, trà sữa.

"Không ngờ lại có ngày, mình đến Bùi Viện để mua cơm, ăn ốc như thế này. Nhân viên, người bán còn nhiều hơn khách hàng. Thực sự cảm thấy nhớ không khí nhộn nhịp, đông vui trước dịch", Uyên nói với Zing.

quan bar bui vien ban oc anh 1
Quán bar trên phố Bùi Viện chuyển sang bán ốc.

Khi quán bar chuyển sang bán ốc

17-18h, một vài quán bar bắt đầu lên đèn. Bàn ghế được bày biện ra trước mặt tiền của quán. Nhưng sự xuất hiện của những chiếc xe đẩy bày xiên que, trái cây, trà sữa, cơm tấm, gỏi ốc... không hề ăn nhập với những tấm biển đầy màu sắc và thứ âm nhạc sôi động.

Nhân viên của một số quán nhiệt tình mới gọi những người đi bộ trên đường: "Anh/chị ghé quán uống nước, ăn trái cây đi ạ".

Chia sẻ với Zing, chị Bình, quản lý chuỗi quán bar ở đường Bùi Viện, cho biết hơn một tháng nay, một số quán do chị phụ trách tạm chuyển thành nơi bán cơm văn phòng.

Mỗi suất ăn dao động từ 25.000-40.000 đồng, chỉ bán từ trưa đến tầm 16-17h. Nhờ dân công sở và khách quen thường ghé qua ủng hộ, tiệm cơm bán được khoảng 100 phần/ngày.

Theo lời nữ quản lý, tình hình buôn bán khả quan hơn hồi giãn cách xã hội. 10 ngày gần đây, cô chủ của chị tiếp tục mở thêm quầy xiên que và trà sữa để phục vụ cho khách muốn ngồi tại chỗ.

"Không được phục vụ đồ uống có cồn, chúng tôi chỉ bán nước ngọt, đồ ăn vặt để trang trải các chi phí cố định. Phần lớn nhân viên đã về quê, việc mở bán thêm như vậy cũng là để giúp những người ở lại có thêm thu nhập trong thời gian đợi mọi thứ ổn định hơn", chị Bình chia sẻ.

Chị Bình cho biết thêm trong thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19, phần mặt bằng đã được chủ thuê giảm 50% nhưng các khoản phí khác vẫn rất nặng. Từ khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, tình hình có vẻ tốt hơn song vẫn không được như trước dịch.

"Khách buổi tối lai rai chỉ có vài bàn thôi, nhìn chung cả khu vẫn rất vắng vẻ, không mấy nhộn nhịp như trước đây. Chúng tôi vẫn đang chờ cuộc sống về đêm quay trở lại", chị nói.

Khi các quán bar chuyển đổi mô hình kinh doanh, những nhân viên cũ cũng phải làm quen với công việc mới. Bartender (nhân viên pha chế) học cách ép rau má, pha trà sữa, trong khi nhân viên phục vụ giờ đây kiêm luôn đứng bếp nướng thịt, xào ốc.

"Giờ dịch bệnh khó khăn, quán bar chưa được mở cửa trở lại thì mình phải học cách thích ứng thôi. Cái gì làm riết cũng quen rồi thành nghề cả", nhân viên một quán bar, người đã chuyển sang đứng bếp gần một tháng nay, cho biết.

Chờ ngày Bùi Viện hồi sinh

Thúy Vy từng là bartender của một quán bar trên đường Bùi Viện. Nhưng từ khi ngành dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke... buộc phải đóng cửa phòng dịch Covid-19 kể từ tháng 5, Vy mất việc làm.

Trong thời gian chờ được đi làm trở lại, cô chuyển sang bán hàng online và làm việc part-time tại một cửa hàng ăn uống.

"Thu nhập hiện tại chỉ đủ cầm cự qua ngày, nếu so với trước dịch thì chưa được một nửa. Giờ mình chỉ mong quán sớm được kinh doanh trở lại để mình có thể làm công việc yêu thích và kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống", Vy nói.

quan bar bui vien ban oc anh 8
Nhân viên hy vọng quán bar sớm kinh doanh trở lại, Bùi Viện hồi sinh.

Không chỉ nhân viên của các hàng quán trên phố Tây, nhiều khách quen của Bùi Viện cũng mong ngóng ngày con phố này sớm hồi sinh sau thời kỳ dịch bệnh.

Lê Thủy (26 tuổi) vẫn nhớ những ngày cuối tuần được nói chuyện "thâu đêm suốt sáng" cùng hội bạn thân hay những dịp Halloween náo nhiệt trên phố Tây Bùi Viện.

"Nói thật nếu bây giờ các quán bar được mở cửa trở lại, mình vẫn lo sợ và chưa dám đi ngay đâu. Nhưng giờ mỗi lần đi ngang qua con phố thấy mọi thứ đìu hiu, vắng vẻ lại cảm thấy không quen, thiếu thiếu gì đó. Dù sao đó cũng từng là một nét riêng tạo nên 'Sài Gòn không ngủ'".