TP.HCM cần 33.000 việc làm thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa

Kinh doanh - Ngày đăng : 10:17, 05/11/2021

TP.HCM đang cần 33.000 vị trí việc làm thương mại, dịch vụ, đã có 61,21% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong đợt dịch vừa qua đã đăng ký hoạt động trở lại.

Cần hơn 33.000 vị trí việc làm thương mại – dịch vụ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết cho biết, tính đến 4/11 gói hỗ trợ đợt 3 của TP.HCM đã chi trả được 6.041.984 trường hợp (trong tổng số khoảng 7,5 triệu người có trong danh sách được hỗ trợ). Hiện nay 3 đoàn kiểm tra công tác chi trả vẫn đang tiếp tục làm việc ở các địa phương. Đến ngày 15/11, sẽ tổng hợp thông tin để UBND TP.HCM báo cáo HĐND TP.HCM.

TP.HCM đang cần 33.000 vị trí việc làm thương mại, dịch vụ. Ảnh: C.T

Về tình trạng nhân lực trên địa bàn TP.HCM Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, theo khảo sát về nhu cầu dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, trong quý III/2021, nhu cầu về nhân lực ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp là 41 vị trí làm việc, chiếm 0,1% so với tổng nhu cầu; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cần 8.191 vị trí, chiếm 19,8%; lĩnh vực thương mại, dịch vụ cần 33.136 vị trí, chiếm 80,1%.

Trước nhu cầu về nhân lực này, TP.HCM đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu long. Tại sàn giao dịch, có 180 đơn vị tuyển dụng với khoảng 31.000 vị trí gồm có các ngành nghề như kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, tư vấn tài chính, bảo hiểm sản xuất, bảo trì vận hành, kỹ sư thủy sản và lao động phổ thông… Chương trình đã thu hút hơn 300 người tham gia phỏng vấn trực tuyến. Riêng TP.HCM có 12 doanh nghiệp tham gia với hơn 5.000 vị trí lao động.

Với nhu cần nhân lực như hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm đã chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tìm việc và danh sách này đã được gửi cho các doanh nghiệp để triển khai phỏng vấn. Thị trường lao động từ giờ đến cuối năm tại TP.HCM sẽ diễn ra ổn định và góp phần phục hồi sản xuất, kinh tế của địa phương", Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho hay.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM có tổng số 35.923 doanh nghiệp công nghiệp với khoảng 1.043.517 lao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong 9 tháng đầu năm 2021 TP.HCM có 12.860 tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, đến ngày 1/11 vừa qua, có 7.872 doanh nghiệp với tổng số 401.838 lao động đăng ký hoạt động trở lại, chiếm tỷ lệ 61,21% so với số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong đợt dịch vừa qua.

Đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường

Về tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng cần có thống kê dữ liệu đầy đủ mới có thể đánh giá đúng, chính xác.

Nhưng nhìn chung, hiện nay lượng hàng hóa cung ứng về các điểm phân phối đạt xấp xỉ 6.500 tấn/ngày, thấp hơn bình thường khoảng 1.000 – 1.500 tấn, nhưng vẫn đang tăng lên liên tục từng ngày. Đã có 150/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, chỉ số tổng mức bán lẻ 3 tháng gần đây cho thấy, trong tình hình khó khăn, tổng mức bán lẻ giảm hơn nhưng tốc độ giảm chậm lại qua từng tháng, chứng tỏ mức độ phục hồi ngày càng tăng. Cụ thể, tháng 8 giảm 71,72%, tháng 9 giảm 67,40% và tháng 10 giảm 40,50%. Đối với tỷ số sản xuất công nghiệp (IIP), tháng 8 giảm 49,20%, tháng 9 giảm 56% và tháng 10 giảm 43%.

Liên quan đến xử lý chợ kinh doanh tự phát, Sở Công Thương TP.HCM cho biết ngày 4/10/2021, UBND TP.HCM ban hành văn bản số 3265 về thực hiện kiểm tra, xử lý các chợ tự phát xung quanh 3 chợ đầu mối. Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch và phối hợp cùng với Công an TP.HCM, Sở GTVT, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM và các địa phương nơi 3 chợ đầu mối trú đóng để xem xét việc tổ chức hoạt động trở lại 3 chợ đầu mối trong trạng thái “bình thường mới”.

Theo Sở Công Thương TP.HCM khi TP.HCM dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân và nhu cầu buôn bán trở lại của tiểu thương ngày càng tăng lên. Vì vậy, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Công Thương nhắc nhờ, đề xuất các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình để nhanh chóng mở lại các chợ truyền thống trên địa bàn, góp phần khôi phục các kênh phân phối hàng hóa và giảm các chợ, điểm bán hàng tự phát.

Đối với các điểm bán, khu vực bán hàng tự phát, hiện do UBND các quận – huyện và TP Thủ Đức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo đó, các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương; triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường…; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án và chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Công Thương

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)