Những thách thức chờ đợi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sau bầu cử Hạ viện

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:19, 04/11/2021

Sau cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản ngày 31/10, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vẫn giành được thế đa số ở Hạ viện. Cuộc bầu cử này được xem là phép thử đối với Thủ tướng Kishida Fumio, người mới được bầu làm Chủ tịch LDP ngày 30/9.
Những thách thức chờ đợi Kishida sau bầu cử Hạ viện
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đứng đầu vẫn giành được thế đa số ở Hạ viện. (Nguồn: Reuters)

Theo The Diplomat, giờ đây, ông Kishida có trọng trách thúc đẩy gói kích thích kinh tế trị giá "hàng chục nghìn tỷ Yen" nhằm giúp phục hồi các hoạt động kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Hãng tin AP của Mỹ thì cho rằng, chiến thắng sau cuộc bầu cử này là một nhân tố quan trọng trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Kishida đang phải vật lộn để đối phó với vấn đề kinh tế, những mối đe dọa an ninh và những thách thức khác.

AP dẫn lời ông Kishida phát biểu ngày 1/11 khẳng định: "Đó là một cuộc bầu cử khó khăn, song kết quả cho thấy ý chí của người dân - muốn lựa chọn sự ổn định của liên minh cầm quyền và chính quyền Kishida - nhằm kiến tạo một Nhật Bản tương lai".

Tránh vết xe "nhà lãnh đạo ngắn hạn"?

Theo AP, cuộc bầu cử với kết quả tốt đẹp hơn mong đợi của Thủ tướng Kishida cho thấy sự củng cố quyền lực của ông.

Điều này có thể trao cho chính quyền của ông Kishida nhiều thời gian hơn so với người tiền nhiệm để thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, bao gồm vấn đề kiểm soát đại dịch Covid-19, làm hồi sinh nền kinh tế và tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản.

Theo nhận định của Giáo sư khoa học chính trị Masato Kamikubo, Đại học Ritsumeikan, khả năng tại nhiệm lâu dài của tân Thủ tướng Nhật Bản phụ thuộc vào tình hình đại dịch.

"Chiến thắng mà cuộc bầu cử đem lại đang mở ra khả năng cầm quyền trong dài hạn của ông Kishida, song điều này có thể sẽ không dễ dàng", Giáo sư Masato nhận định.

Theo Giáo sư Kamikubo, điều này đồng nghĩa với việc ông Kishida có thể dễ dàng bị mất chức nếu tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm mạnh, giống như trường hợp của người tiền nhiệm Suga.

Ông Kamikubo cũng nói thêm, nếu một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát tại Nhật Bản và buộc chính phủ phải đưa ra tình trạng khẩn cấp, thì "có thể sẽ có một động thái nhằm thay thế Thủ tướng Kishida".

Những chính sách ưu tiên

Biến đổi khí hậu sẽ là vấn đề đầu tiên mà chính quyền của Thủ tướng Kishida thúc đẩy khi tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) nhằm thể hiện cam kết của Nhật Bản đối với mục tiêu đạt được trung hòa carbon vào năm 2050 và cam kết hợp tác với các nước khác trong khu vực.

Việc tham dự COP26 đã đẩy lùi chương trình nghị sự về những vấn đề chính trị, kinh tế trong nước sang tuần sau.

Dự kiến, ông Kishida sẽ soạn thảo một gói kích thích kinh tế vào cuối tháng 11 và một khoản ngân sách bổ sung để hỗ trợ tài chính cho gói kích thích này trước cuối năm 2021.

Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cũng cam kết thiết lập một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và cải thiện tình trạng phân chia thành quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân theo chính sách kinh tế mang tên "chủ nghĩa tư bản mới".

Từng là Ngoại trưởng, ông Kishida sẽ tiếp tục ưu tiên mối quan hệ liên minh an ninh Mỹ-Nhật và thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cùng với các nước khác, bao gồm các thành viên của nhóm Bộ tứ là Mỹ, Australia và Ấn Độ.

Ngoài ra, ông Kishida cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một lực lượng quân đội hùng mạnh hơn giữa lúc quan ngại về tầm ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng như những quan ngại về mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Ngọc Châu