4 bí quyết giúp bạn tự đánh giá hiệu suất công việc
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:00, 01/11/2021
Việc tự đo lường sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận bản thân cũng như điều chỉnh, cải thiện cũng như trình bày thuyết phục trong quá trình tìm việc làm ở Hà Nội, TP.HCM... Áp dụng 4 bí quyết sau đây sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Thời gian hoàn thành công việc
Hiệu suất công việc được đánh giá không những dựa vào chất lượng mà còn thông qua thời gian bạn tiêu tốn. Vì thế bí quyết đầu tiên đó là đo lường thời gian hoàn thành mỗi công việc hoặc tác vụ nào đó. Lúc này bạn nên tự đặt thời hạn cho mình, thường sẽ sớm hơn so với thời hạn mà cấp trên yêu cầu.
Tuân thủ mốc thời gian mới này sẽ giúp bạn tự nhìn nhận và so sánh khả năng đảm bảo chất lượng công việc theo chính thang đo của bản thân. Và sau quá trình tự điều chỉnh và ghi chép lại, bạn sẽ có cơ sở để so sánh thời gian hoàn thành của mình đang tiến bộ, cải thiện hay thụt lùi so với trước đây. Ví dụ, bạn có thể được xem là tiến bộ nếu cùng một nhiệm vụ bạn phải mất 3 tiếng để hoàn thành trước đây thì giờ chỉ còn 2 tiếng.
Khả năng đa nhiệm
Khả năng đa nhiệm chính là một lời khẳng định về hiệu suất công việc của mỗi cá nhân. Bởi lẽ vẫn đảm bảo chất lượng khi đa nhiệm, bạn đã chứng minh được phần nào đó trình độ chuyên môn và khả năng xử lý công việc hiệu quả. Vì thế khi có cơ hội được nhận cùng một lúc nhiều tác vụ, đừng ngần ngại thử sức và tự đánh giá hiệu suất của mình thông qua những tiêu chí khác nhau.
Đó có thể là mức độ hài lòng xếp theo các thang điểm từ: không hài lòng, hài lòng, rất hài lòng, và cực kỳ hài lòng. Sau mỗi lần hoàn thành đa nhiệm, bạn hãy tự đánh giá bằng cách cộng điểm của từng tác vụ riêng rẻ. Qua thời gian khi bạn thấy mỗi lần hoàn tất, bạn hãy tự so sánh tổng điểm để thấy mức độ nhiệm của bản thân tiến bộ ra sao.
Quan sát đồng nghiệp xung quanh
Để đánh giá kỹ năng và hiệu suất công việc của mình, bạn có thể so sánh với đồng nghiệp ở cùng vị trí và cấp độ. Lúc này, trong quá trình trao đổi, thảo luận và làm việc trực tiếp, bạn nên quan sát môi trường xung quanh để xem liệu có ai đó mà bạn cho rằng đang làm việc hiệu quả hơn bạn không. Các tiêu chí có thể sử dụng như, khả năng thuyết trình, hiệu quả xử lý công việc nhóm, chất lượng và tính thực thi của các ý tưởng đề xuất,…
Tiếp theo hãy tìm hiểu hoặc phân tích phương pháp, thói quen làm việc của những cá nhân đó và đối chiếu với phương pháp của riêng bạn. Khi đó bạn sẽ dễ dàng nhận thấy được bản thân đang có điểm yếu nào chưa khắc phục hay điểm mạnh nào cần phát huy hơn nữa. Bí quyết này không những giúp bạn nhìn nhận khách quan hiệu suất cá nhân mà qua đó còn có thể đúc kết, học hỏi thêm kinh nghiệm.
Sự tin tưởng của cấp trên
Bên cạnh đồng nghiệp thì thông qua cấp trên cũng là cách giúp bạn có thể tự đánh giá hiệu suất công việc của mình. Như đã nói về khả năng đa nhiệm và đảm bảo thời gian công việc, cấp trên thường sẽ có xu hướng nâng cao mức độ kỳ vọng ở bạn theo thời gian. Đây chính là cách thúc đẩy và khai thác nhân lực mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ sử dụng để khuyến khích chất lượng công việc.
Vì thế nếu bạn liên tục làm cấp trên hài lòng thể hiện qua số lần sửa chữa, góp ý ngày càng hạn chế,… điều này chứng minh bạn đang thể hiện tích cực. Có một câu hỏi mà bạn có thể tự hỏi để đánh giá hiệu suất công việc của bản thân, đó là “Nếu tôi là sếp, tôi sẽ sa thải hay thăng chức cho chính mình?”