Bất động sản mới nhất: Vốn FDI đổ vào địa ốc, sốc với đất đấu giá ở Cầu Giấy gần 400tr/m2, sốt đất có tái diễn?
Kinh doanh - Ngày đăng : 08:45, 02/11/2021
Bất động sản mới nhất: Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi. Ảnh: Phối cảnh dự án Somerset Metropolitan West Hanoi. (Nguồn: CapitaLand) |
FDI đổ vốn vào bất động sản Việt Nam
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý III/2021, vốn FDI tăng lên 4,4% xấp xỉ 22,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy thị trường đầu tư BĐS trong nước đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau đại dịch Covid-19.
Bằng chứng là trong thời gian gần đây, liên tục phát sinh các giao dịch mua bán và sáp nhập giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, Công ty Aseana Properties Ltd. đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD. Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD.
Ngoài ra, việc Nishi Nippon Railroad mua lại phần vốn góp của Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long tại Công ty TNHH Một thành viên Paragon Đại Phước cũng là tín hiệu cho thấy thị trường đầu tư bất động sản ở Việt Nam dần khởi sắc.
Theo Savills, trong phân khúc BĐS công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn (RBF) là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư do nhu cầu thuê nhà xưởng và nhà kho chất lượng cao đang tăng lên. Giá thuê cao và tình trạng thiếu đất công nghiệp ở các vị trí đắc địa cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn ngày một tăng.
Nhận định về tiềm năng đầu tư BĐS tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Neil MacGregor nhấn mạnh, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở trên khắp cả nước.
Với phân khúc văn phòng, ông Neil đánh giá, TP. HCM, nguồn cung văn phòng vẫn bị hạn chế đáng kể, tỷ lệ lấp đầy cũng giá như thuê luôn ở mức cao. Phân khúc này vẫn là một trong những mối quan tâm chính của các nhà đầu tư nước ngoài.
Phân khúc nghỉ dưỡng, khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch nhưng đồng thời cũng là nơi các nhà đầu tư thông minh có khả năng tìm thấy cơ hội hiếm có để gia nhập vào thị trường BĐS tại Việt Nam.
Liệu có sốt đất sau làn sóng Covid-19 thứ 4?
Ngay sau khi các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội, số lượng giao dịch mua và thuê BĐS đã tăng trở lại. Các chuyên gia lo ngại có thể hình thành đợt sốt đất mới sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
Đặc biệt là thị trường BĐS Hà Nội được đánh giá sôi động lại rất nhanh cho thấy mức độ quan tâm và nhu cầu đối với lĩnh vực này vẫn rất cao. Thị trường sẽ tiếp tục bật trở lại sau thời gian bị nén. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng khiến thị trường nóng lên khi xã hội quay trở lại cuộc sống bình thường mới.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiến độ thi công chậm, quá trình cấp phép xây dựng cho các dự án cũng bị kéo dài... khiến thị trường ngày càng hiếm dự án chất lượng với đầy đủ pháp lý. Bối cảnh cầu cao hơn cung cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá mặt bằng chung các phân khúc trên thị trường nhích lên.
Hiện Chính phủ đang thúc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công với việc phát triển hàng loạt công trình hạ tầng cũng là một trong những động lực khiến nhà đầu tư có thể kỳ vọng yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Giám đốc CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, câu chuyện “sốt đất” không phải mới mà luôn diễn ra, hết đợt này sẽ hình thành đợt khác theo nhịp đập thị trường.
Trước diễn biến thị trường, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Việt Nam cảnh báo, tại một số khu vực, BĐS trước đó chưa được đánh giá cao nhưng sau “sốt đất” đã xảy ra hiện tượng giá tăng vượt quá giá trị thực tế, trở thành giá trị ảo. Điều này dẫn đến rủi ro cao cho các nhà đầu tư; đồng thời gây ra hệ lụy xấu cho toàn thị trường cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. (Nguồn: Zing) |
Ngũ Hành Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ mới của Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng vừa công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, khu vực phía Nam Đà Nẵng đang có nhiều tiềm năng thuận lợi để chuyển mình trở thành trung tâm mới của thành phố trong tương lai.
Cụ thể, quận Ngũ Hành Sơn được định vị trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ và là địa bàn phát triển mở rộng không gian đô thị hiện đại về phía Đông Nam. Nơi đây vốn dĩ đã được thiên nhiên ban tặng núi cao sông dài, sở hữu danh thắng Ngũ Hành Sơn và hai bãi biển đẹp của Đà Nẵng là bãi biển Non Nước và bãi biển Sơn Thủy.
Theo Đề án, các khu vực phát triển cao tầng (>80m) được cho phép trong vùng trung tâm thành phố mở rộng có quận Ngũ Hành Sơn, do không bị hạn chế bởi tĩnh không sân bay. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để trong tương lai gần, quận Ngũ Hành Sơn có thể phát triển trở thành điểm nhấn về đô thị mới của Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn quận còn có nhiều dự án hạ tầng động lực quan trọng, được kỳ vọng sẽ là “cú hích” để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có thể kể đến dự án xây dựng đường và cầu mới qua sông Cổ Cò, thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng.
Dự án này hoàn thiện sẽ trở thành điểm kết nối quan trọng giữa Đà Nẵng và Hội An, góp phần mang lại diện mạo mới cho khu vực phía Nam thành phố.
Cũng theo quy hoạch mới, đa số quỹ đất còn lại được chuyển đổi thành đất có mục đích thương mại và đất ở. Điều này vừa tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ - thương mại, vừa đáp ứng nhu cầu đất ở ngày một tăng trong tương lai khi dân số tăng lên, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản đã có sẵn quỹ đất.
Đấu giá đất ở Cầu Giấy gần 400 triệu/m2
Theo Tienphong, tại phiên đấu giá 25 lô đất thuộc khu X4 phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), mức giá trúng cao nhất gần 400 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với giá thị trường.
Theo thông tin được công bố thì 25 lô đất tại khu X4 được đem ra đấu giá có diện tích từ 38,1 - 84,8 m2; giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của mỗi lô đất từ 4,1 - 9,2 tỷ đồng.
Dù chỉ có 25 lô đất được mang ra đấu giá nhưng phiên đấu giá có khoảng 800 - 900 hồ sơ nộp, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn nộp từ 5-10 bộ hồ sơ. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, kết quả trúng đấu giá khiến nhiều người chóng vì cao gấp 2-2,6 lần mức giá khởi điểm.
Cụ thể, giá trúng thấp nhất là 162,7 triệu đồng/m2 của lô E23, nằm ở mặt ngách rộng 5m, có diện tích 59,9 m2, mức giá khởi điểm là 104,7 triệu đồng/m2. Giá trúng cao nhất là 364,3 triệu đồng/m2 của lô B12 diện tích 44,5 m2, ở vị trí lô góc của phố Dương Khuê (phường Mai Dịch, Cầu Giấy), lô này có giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2.
Cũng tại phiên đấu giá, lô A12, vị trí lô góc, diện tích 43,7 m2, mức giá khởi điểm 110,2 triệu đồng/m2 có tới 66 người tham gia trả giá. Kết quả mảnh đất này thuộc về một người phụ nữ ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) với mức giá trúng lên tới 289,2 triệu đồng/m2, gấp hơn 2,6 lần so với giá khởi điểm.
Ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã chào bán nhưng không có giao dịch nào diễn ra. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, giá trúng đấu giá tại khu X4 phường Mai Dịch quá chênh lệch so với mặt bằng giá của khu vực này.