Tranh luận mở cửa trường học: Không nên để học sinh ở nhà thêm nữa!

Xã hội - Ngày đăng : 14:40, 01/11/2021

Với tình hình hiện tại, việc mở cửa trường học, cho học sinh đi học trở lại như bình thường là cần thiết, đồng thời chưa nên tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vào lúc này mà nên ưu tiên tiêm cho người lớn'.
Tranh luận mở cửa trường học: Không nên để học sinh ở nhà thêm nữa
Đề cập đến chuyện mở cửa trường học, TS. Nguyễn Thành Nam nêu quan điểm, không nên để học sinh ở nhà thêm nữa.

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa qua, do trường học bị đóng cửa nên học sinh buộc phải ở nhà và hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.

Mặc dù ngành giáo dục đã triển khai việc dạy học trực tuyến, qua truyền hình nhưng trong quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều vấn đề, gây nhiều khó khăn cho cả học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường và toàn xã hội.

Hiện tại, vấn đề có nên mở cửa đón học sinh trở lại trường học hay tiếp tục giữ học sinh ở nhà thêm một thời gian nữa đang gây tranh cãi rất lớn trong xã hội.

Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thành Nam (Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) một số nội dung liên quan.

Ông nghĩ gì về cuộc tranh cãi đang diễn ra rất sôi nổi liên quan đến việc mở cửa trường học?

Tôi cho rằng, tranh luận là cần thiết vì cuộc sống luôn có sự song hành giữa lợi ích và rủi ro, nên mọi quyết định đưa ra cần phải được cân nhắc sao cho tối đa hóa được lợi ích và giảm được thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể.

Trong việc xử lý vấn đề này cũng vậy, dù là đưa học sinh trở lại trường học hay tiếp tục giữ học sinh ở nhà thì đều có cả ưu và nhược điểm. Do đó, mọi người mới phải tranh luận để tìm ra cách xử lý phù hợp nhất trong điều kiện của nước ta hiện nay.

Người phản đối việc mở cửa trường học đã đưa ra những lý do gì và ý kiến của ông về những lý do đó như thế nào?

Lý do chính khiến mọi người lo ngại là việc mở cửa trường học sẽ làm dịch bệnh lan rộng. Bởi vì trường học là nơi tập trung rất nhiều trẻ em trong một không gian hẹp nên trẻ bị nhiễm rất dễ lây bệnh sang các trẻ em khác, nên việc mở cửa trường học đồng nghĩa với việc đưa trẻ em vào nơi nguy hiểm. Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh tại trường thì ngoài việc bản thân gặp nguy hiểm, dịch bệnh có thể dễ dàng lây sang người thân của học sinh và từ đó lan ra ngoài cộng đồng.

Mặc dù những lý lẽ này mới nghe có vẻ rất hợp lý, tuy nhiên chúng ta cũng cần xem xét lại một số điểm.

Thứ nhất, cần xem lại Covid-19 nguy hiểm đối với trẻ em ở mức độ nào. Các số liệu tại Mỹ cho thấy sau hai năm bùng nổ dịch bệnh, mặc dù hầu hết trẻ em chưa được tiêm vaccine, nhưng trung bình trong một vạn trường hợp tử vong vì Covid-19 chỉ có 7 trường hợp ở độ tuổi từ 17 tuổi trở xuống.

Tương tự như vậy, số liệu tổng hợp tại Anh trong một năm qua cho thấy trung bình trong một vạn trường hợp tử vong vì Covid-19 chỉ có 8 ca ở độ tuổi từ 19 tuổi trở xuống. Tính trung bình trên toàn thế giới, trong một nghìn trường hợp tử vong vì Covid-19 chỉ có 3 trẻ em ở độ tuổi từ 18 tuổi trở xuống.

Ngay cả ở các quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong vì Covid-19 cao nhất thì con số này cũng không vượt quá 1% tổng số trường hợp tử vong, điều đó cho thấy mặc dù Covid-19 vẫn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của trẻ, nhưng mức độ nguy hiểm đối với trẻ em là rất thấp.

Thứ hai, việc không cho trẻ em tới trường có thực sự góp phần bảo vệ người lớn trước đại dịch hay không? Đồng ý là việc không cho trẻ em đến trường có thể giúp hạn chế phần nào nguy cơ, tốc độ lây lan và quy mô của dịch bệnh.

Thế nhưng hiện tại hầu hết người lớn đều đã đi làm và gặp gỡ nhau ở khắp mọi nơi, người lớn cũng đang đưa trẻ em đến tất cả mọi nơi, từ siêu thị, nhà hàng, đến các địa điểm công cộng. Thực tế này khiến việc tiếp tục đóng cửa trường học không còn mang lại nhiều ý nghĩa đối với công tác chống dịch.

Thứ ba, việc tiêm vaccine cho trẻ em có thực sự mang lại giá trị không? Bởi vì Covid-19 ít nguy hiểm với trẻ em nên điều chủ yếu chúng ta mong đợi ở việc tiêm vaccine cho trẻ là giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Thế nhưng, số liệu từ nhiều quốc gia (Israel, Singapore ...) có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới cho thấy ngay cả việc tiêm đủ hai mũi vaccine cũng không ngăn chặn được quá trình lây nhiễm của Covid-19.

Kết quả chống dịch trên thế giới thời gian qua cho thấy vaccine không ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, mà giá trị lớn nhất của vaccine nằm ở chỗ làm giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong. Do đó, cách sử dụng vaccine hiệu quả nhất là ưu tiên tiêm chủng cho nhóm người có nguy cơ tăng nặng và tử vong cao vì Covid-19.

Vì trẻ em khỏe mạnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp nên không được ưu tiên. Chúng ta chỉ nên tiêm vaccine cho trẻ sau khi đã tiêm đủ cho người lớn và sau khi cân nhắc đầy đủ những nguy cơ tiềm ẩn của vaccine đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Vaccine tiêm cho trẻ em phải là loại đã được kiểm nghiệm đầy đủ và không tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe của trẻ trong tương lai, ở thời điểm hiện tại có rất ít vaccine Covid-19 đạt được yêu cầu khắt khe đó. Không phải vô lý mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều rất thận trọng với việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em. Một loạt quốc gia ở Bắc Âu đã ngừng vô thời hạn việc tiêm một số loại vaccine cụ thể cho trẻ vì nguy cơ tiềm ẩn của chúng.

Tranh luận mở cửa trường học: Không nên để học sinh ở nhà thêm nữa
Đi học an toàn hay an toàn rồi mới đi học là vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm trong thời gian gần đây. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Thế còn luồng ý kiến ủng hộ việc mở cửa trường học thì sao, lý lẽ họ đưa ra là gì và ông có suy nghĩ như thế nào?

Có nhiều lý do được đưa ra để thuyết phục Nhà nước sớm cho học sinh đi học trở lại. Tất cả đều dựa trên những tác hại mà tình trạng đóng cửa trường học lâu dài đã gây ra cho học sinh, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội.

Về những tác hại gây ra cho học sinh, bản thân việc học trực tuyến đòi hỏi năng lực tự học rất cao nên nó không phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Điều đó làm cho kết quả học tập bị sa sút trầm trọng, nhất là đối với học sinh ở lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở.

Do việc học qua mạng chỉ thuần túy là thầy giảng giải, trò lắng nghe và ghi chép, hầu như không có hoạt động thực hành nên người học chỉ tiếp thu được kiến thức mà không phát triển được kỹ năng. Thêm vào đó, việc bị giữ ở nhà quá lâu đã gây ra tâm lý chán nản ở rất nhiều học sinh. Không ít học sinh bị lôi kéo sa đà vào các nội dung thiếu lành mạnh trên không gian mạng.

Đồng thời, việc phải thay giáo viên hỗ trợ và kiểm soát hoạt động học tập của con cái gây áp lực rất lớn lên cha mẹ học sinh. Lúc đi làm thì lo lắng cho các con ở nhà, khi ở nhà thì phải hỗ trợ con học và kiểm tra kết quả học tập trong ngày của các con khiến cha mẹ học sinh bị quá tải về cả thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, với học sinh tiểu học, do còn quá nhỏ chưa thể tự học một mình qua mạng nên cha mẹ bắt buộc phải ngồi học cùng con. Nhiều gia đình phải thuê người học cùng con hàng ngày với chi phí lên đến hàng chục triệu đồng/tháng.

Việc học trực tuyến cũng tạo ra những khó khăn không nhỏ đối với giáo viên và nhà trường, so với dạy học trực tiếp ở trường, việc dạy học qua mạng khiến các thầy cô vất vả hơn nhiều, vì bài giảng phải soạn công phu hơn và yêu cầu về kỹ thuật phức tạp hơn.

Thêm vào đó, việc không thể tương tác trực tiếp được với học sinh cùng với sự thiếu hụt hầu hết các nội dung thực hành khiến cho chất lượng dạy học bị sụt giảm. Nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giám sát hoạt động dạy và học cũng như đo lường kết quả học tập của học sinh. Chất lượng dạy và học suy giảm tất nhiên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền giáo dục.

Cuối cùng, đó là ảnh hưởng tiêu cực với xã hội. Việc trường học và các cơ sở giáo dục bị buộc phải đóng cửa trong thời gian dài đã gây rất nhiều khó khăn cho các hoạt động kinh tế có liên quan tới các cơ sở giáo dục và các hoạt động dạy, học. Nhiều cơ sở giáo dục tư nhân bị khủng hoảng nghiêm trọng và không ít doanh nghiệp dịch vụ liên quan bị tổn thất lớn, thậm chí phá sản.

Xin được hỏi ý kiến cá nhân của ông về vấn đề này là như thế nào?

Về vấn đề mở cửa trường học, cá nhân tôi cho rằng nên lập tức mở cửa đón học sinh trở lại trường học. Đồng thời, chưa nên tiêm vaccine Covid-19 đại trà cho trẻ em vào lúc này mà nên ưu tiên cho người lớn và các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ tăng nặng và tử vong cao, bao gồm cả trẻ em.

Trường hợp phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong trường học thì có thể tạm thời cách ly F0 và F1 trong một thời gian đồng thời chuyển các học sinh đó sang hình thức học trực tuyến, khi nào hết thời gian cách ly và xét nghiệm thấy âm tính thì cho học trở lại.

Một khi trường học được mở cửa trở lại thì việc xuất hiện các ca F0 và F1 tại trường học chắc chắn sẽ diễn ra, thậm chí là nhiều. Do đó, cơ sở giáo dục cần phải tính đến giải pháp hỗ trợ học tập cho đối tượng học sinh bị cách li này.

Bộ GD&ĐT nên tổ chức các lớp học trực tuyến dạy chung cho các đối tượng F0 và F1 đang bị cách li trên cả nước, theo đúng tiến độ môn học ở trường để khi hết cách li học sinh có thể dễ dàng học tiếp cùng các bạn trên lớp.

Tôi cũng cho rằng, việc tiêm vaccine cho trẻ em chỉ nên được thực hiện sau khi đã tiêm đủ vaccine cho người lớn và với sự đồng ý của cha mẹ các em.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh