Lượng lớn tiền mặt đang nằm ở đâu?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:30, 31/10/2021
Nhưng không, theo tờ Economist trích nguồn từ Văn phòng Kiểm toán Anh quốc, giá trị bảng Anh bằng tiền giấy đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua, nay lên mức 75 tỉ bảng.
Vấn đề nằm ở chỗ chỉ có 25 tỉ bảng Anh là đang lưu hành trong dân chúng qua các giao dịch bằng tiền mặt mà nhà nước có thể ghi nhận được. 50 tỉ bảng Anh còn lại nằm ở đâu, ai nắm giữ, không cơ quan nào biết. Ngay cả Bank of England (BoE), tức ngân hàng trung ương của Anh cũng không biết 50 tỉ bảng tiền mặt này đang được dùng vào việc gì và, quan trọng hơn, họ hầu như không quan tâm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sau khi phân tích giao dịch bằng tiền mặt ở các nước sử dụng đồng euro, cũng kết luận chỉ có một phần năm lượng tiền mặt đang lưu thông là được sử dụng trong các giao dịch ghi nhận được; số còn lại không ai biết nó đi đâu.
Thế mà năm 2020 nhu cầu tiền mặt euro tăng mạnh đến nỗi các ngân hàng trung ương ở các nước có sử dụng đồng euro đã in chừng 140 tỉ euro tiền giấy. Tổng lượng tiền euro giấy đang lưu hành đạt mốc 1.500 tỉ euro.
50 tỉ bảng Anh còn lại nằm ở đâu, ai nắm giữ, không cơ quan nào biết. Ngay cả BoE, tức ngân hàng trung ương của Anh cũng không biết 50 tỉ bảng tiền mặt này đang được dùng vào việc gì và, quan trọng hơn, họ hầu như không quan tâm. |
Nghịch lý này không chỉ có ở nước Anh hay châu Âu nói chung. Tại Mỹ, tổng lượng tiền mặt đô la Mỹ tăng 16% chỉ tính riêng trong năm 2020, lần đầu tiên vượt mức 2.000 tỉ đô la và tăng gấp 4 lần so với cách đây 20 năm.
Tính ra, mỗi người dân Mỹ về lý thuyết đang nắm 7.000 đô la Mỹ tiền mặt và con số này đối với mỗi người dân trong khu vực sử dụng đồng euro là 4.000 euro. Trong thực tế tiền mặt dân chúng ở Anh, Mỹ hay châu Âu nắm giữ là rất ít, kiểu như dằn túi để trả tiền tách cà phê; làm gì có chuyện mỗi người Mỹ có đến 7.000 đô la tiền mặt.
***
Vào một tối thứ Bảy tháng 10 năm ngoái, một nữ hành khách tên Tara Hanlon bước vào sân bay Heathrow với 5 chiếc vali lớn. Hải quan Anh hỏi bà này vì sao đem theo nhiều vali thế, bà giải thích sắp đi du lịch ở Dubai với bạn nên đem theo nhiều quần áo để chưng diện. Hải quan không tin bèn lục soát 5 chiếc vali – chiếc nào cũng chứa đầy tiền giấy – tổng cộng gần 2 triệu bảng Anh bỏ trong các túi may kèm túi đựng cà phê để đánh lừa chó hải quan.
Giới chức Anh cho biết vụ chuyển tiền lậu của Tara Hanlon chỉ là một phần nhỏ trong dòng chảy tiền giấy tuồn khỏi nước Anh hàng năm. Nhưng vì sao ngân hàng trung ương các nước sử dụng các loại ngoại tệ mạnh như đô la Mỹ, euro hay bảng Anh hầu như không quan tâm lắm chuyện một tỷ lệ lớn tiền giấy của nước họ biến đi đâu mất sau khi phát hành?
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách bơm tiền giải cứu nhằm duy trì tín dụng giá rẻ hòng kích thích nền kinh tế gọi là “nới lỏng định lượng”. Bản chất của chính sách này là ngân hàng trung ương “in tiền” (tuy không phải in tiền giấy) bằng cách tạo ra tiền trên tài khoản rồi dùng tiền đó mua trái phiếu chính phủ hay các loại chứng khoán khác.
Rồi đến đại dịch Covid-19, một lần nữa các nước ào ạt bơm tiền ra, vừa phát cho dân vừa mua tài sản cho doanh nghiệp để giúp họ vượt qua khủng hoảng kinh tế. Tất cả đều là tiền điện tử ghi nợ, ghi có chứ không phải tiền giấy – tiền có mặt khắp nơi làm giới quản lý ít quan tâm đến chuyện tiền giấy chạy đi đâu.
Tiền trong tài khoản tăng thì ngân hàng trung ương các nước phải in sẵn thêm tiền giấy để bất cứ lúc nào người dân muốn rút tiền từ tài khoản qua máy ATM đều được đáp ứng. Vì thế dù giao dịch bằng tiền mặt giảm mạnh (các cuộc mua sắm bằng tiền mặt giảm đi một nửa trong vòng 20 năm qua), lượng tiền mặt vẫn tăng và dường như nhu cầu tiền mặt đang tăng trong dân chúng.
***
Theo tờ Economist, Thống đốc BoE, ông Andrew Bailey, cố gắng lý giải nghịch lý này. Theo ông cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm dân chúng ít còn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng nên họ giữ nhiều tiền mặt ở nhà; trong khi đó số lượng máy ATM lại tăng nhanh, tức luôn phải có một lượng tiền mặt nạp đầy cho máy.
Tuy nhiên chính tờ báo này bác bỏ cách giải thích này vì hiện nay số lượng máy ATM ở Anh đang giảm chứ không còn tăng như giai đoạn trước và khủng hoảng năm 2008 đã trôi vào quá khứ trong khi nhu cầu tiền mặt và lượng tiền mặt trong lưu thông vẫn đang tăng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng có cách giải thích riêng của họ: Do lạm phát quá thấp trong nhiều năm qua, người giữ tiền mặt thấy không có nhu cầu phải gửi tiền vào ngân hàng. Trong khi đó từ năm 2008 đến nay lãi suất ngân hàng lại quá thấp, gửi tiền vào ngân hàng hầu như không được lãi gì; thậm chí có nước còn đưa ra chính sách lãi suất âm nữa. Người dân chọn lựa cách để tiền dưới gầm giường cho khỏe thân, khỏi mất công giao dịch với ngân hàng khi họ không thấy lợi lộc gì.
Tuy nhiên tờ Economist rào trước đón sau như thế chỉ để nói đến nguyên nhân quan trọng nhất: tiền mặt của các ngoại tệ mạnh như đô la Mỹ, euro hay bảng Anh là món hàng được ưa chuộng của giới tội phạm và giới tham nhũng.
Chúng ta thường xem trên phim ảnh các hoạt động chuyển tiền chạy qua chạy lại giữa các “thiên đường thuế” để tránh con mắt theo dõi của giới chức trách. Gần đây còn thêm các loại tiền mã hóa không thể dò ra người chủ sở hữu thật sự. Thực tế bọn tội phạm thích sử dụng tiền mặt hơn vì dù cồng kềnh, thô sơ nhưng tiền giấy là phương cách rửa tiền hiệu quả nhất.
Một số ước tính cho rằng đến một nửa lượng tiền mặt trong lưu thông là phương tiện cho giới tội phạm qua mắt các chính phủ, tránh sự soi mói của hệ thống tài chính ngày càng tinh vi của các nước.
Vụ chuyển tiền ra biên giới trái phép của bà Tara Hanlon là một ví dụ điển hình. Tiền công đưa 5 vali tiền sang Dubai trả cho bà là 3.000 bảng Anh và bà này khai trong các chuyến đi trước đó, bà đã đem đi thành công tổng cộng 3,5 triệu bảng Anh. Hanlon chỉ là một mắt xích nhỏ trong đường dây chuyển tiền lậu từ Anh sang các nước Trung Đông.
Mặc dù các cơ quan phòng chống tội phạm đang nỗ lực ngăn chặn các đường dây vận chuyển tiền mặt trái phép này, ngân hàng trung ương các nước dường như thờ ơ. Đó là bởi khái niệm seigniorage (là mức chênh lệch giữa chi phí sản xuất tờ giấy bạc và mệnh giá ghi trên tờ giấy bạc này); ngân hàng trung ương được độc quyền in tiền, chi phí in một tờ giấy bạc 100 đô la Mỹ chỉ có 14 xu nhưng do Chính phủ Mỹ cam kết nó có giá trị 100 đô la nên nó là tờ giấy trị giá 100 đô la. Cứ 1 tờ giấy như thế ra khỏi cổng thì Fed có thêm 99,86 đô la để làm chuyện khác.
Với vụ chuyển tiền gần 2 triệu bảng Anh của Tara Hanlon, tờ Economist nói lẽ ra BoE hay Bộ Ngân khố nước này hưởng được chừng 1,5 triệu sau khi trừ chi phí in ấn, vận chuyển và chi phí quản lý. Nói gì thì nói, seigniorage vẫn là nguồn thu nhập rất ngon ăn của chính phủ các nước có đồng tiền mạnh, bất kể tiền giấy đó có là phương tiện làm ăn của giới tội phạm.
Đó là chuyện khó ăn khó nói nên khi bàn nguyên nhân tiền giấy đi đâu, ai giữ… ít ai đề cập đến vấn đề seigniorage. Vì thế cho dù tương lai không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, ngân hàng trung ương các nước sẽ tiếp tục cho in tiền giấy như những năm vừa qua bất kể chúng đi về đâu.
Giới tội phạm ít thích vận chuyển bảng Anh vì tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất chỉ là 50 bảng Anh. Tara Hanlon cần đến 5 vali để chứa gần 2 triệu bảng Anh vì bà này dùng toàn tờ 20 bảng. Giả thử bà này dùng toàn tờ 100 đô la Mỹ, bà ta chỉ cần chừng một vali rưỡi; còn xài tờ 500 euro thì bỏ vừa một vali xách tay. Thế giới buôn lậu tiền thích chọn đô la Mỹ hay euro hơn là bảng Anh.Điều đáng ngạc nhiên là ở ngay bên trong nước Mỹ, ít ai xài tờ 100 đô la để mua sắm; mua hàng mà trả bằng tờ 100 đô la sẽ bị soi mói rất kỹ. Thế nhưng 80% giá trị tiền giấy đô la Mỹ đang lưu hành là tờ 100 đô la, tổng giá trị lên đến 16 tỉ đô la. Mặc dù châu Âu đã ngưng in tờ 500 euro từ năm 2016 vì Pháp phản đối, cho rằng chúng đang được bọn khủng bố sử dụng, hiện vẫn có 400 triệu euro lưu hành dưới hình thức tờ 500 euro; châu Âu còn in tổng cộng 750 triệu euro bằng tờ 200 euro và thêm 3,5 tỉ euro bằng tờ 100 euro. Vì sao các nước không chịu chấm dứt in các tờ giấy bạc mệnh giá lớn dù biết chúng chủ yếu do bọn tội phạm sử dụng? Đó là bởi không ai chịu ai, nước nào chịu chấm dứt sớm thì lỡ nước khác hưởng lợi seigniorage nhiều hơn làm sao? Lại là một nghịch lý tiền mặt. |