Quảng Bình sức hút mạnh mẽ từ tiềm năng và chính sách thu hút đầu tư

Kinh doanh - Ngày đăng : 15:12, 30/10/2021

Quảng Bình đang là “thỏi nam châm” có hấp lực mạnh mẽ với các nhà đầu tư nhờ sở hữu nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông…, bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư.
Sân bay Đồng Hới

Nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, du lịch

Tọa lạc tại trung điểm của đất nước, cách Đà Nẵng 200 km về phía Bắc, Quảng Bình chiếm lợi thế khi có nhiều trục giao thông huyết mạch lưu thông qua, trong đó phải kể đến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, kế đó là đường xuyên Á qua Quốc lộ 12A và cửa khẩu quốc tế Cha Lo (thông thương với Lào), tạo điều kiện giao lưu kinh tế - xã hội với các nước trong khu vực.

Đồng thời, khi sân bay Đồng Hới được điều chỉnh nâng cấp và mở rộng lên cấp 4C (chuẩn tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) với công suất đạt 3 triệu khách/năm sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy hơn nữa cơ hội giao thương, thu hút đầu tư vào khu vực này.

Bên cạnh lợi thế về vị trí, hạ tầng giao thông, Quảng Bình còn sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng như đèo Ngang, đèo Lý Hòa và đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng chứa đựng trong lòng hơn 350 hang động lớn nhỏ. Trong đó, hang Sơn Đoòng được xác lập kỷ lục “Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới” và động Thiên Đường được mệnh danh “Hang động có hệ thống thạch nhũ, măng đá độc đáo và tráng lệ nhất Châu Á”.

Với tiềm năng to lớn cùng chính sách rộng cửa chào đón nhà đầu tư, Quảng Bình đã và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Thành phố Đồng Hới với nhiều công trình thương mại dịch vụ

Chủ trương được đồng thuận

Quảng Bình định hướng phát triển kinh tế theo hướng Nam, lấy mũi nhọn du lịch làm chủ đạo cũng như chú trọng các hoạt động thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông. Việc mở rộng phát triển kinh tế về hướng Nam không chỉ là định hướng của lãnh đạo sở ban ngành mà còn nhận sự đồng tình của hàng loạt nhà đầu tư nhằm phát triển hạ tầng kết nối du lịch, công nghiệp đồng bộ trên toàn tuyến.

Đến nay, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông đã và đang triển khai thành công tại thành phố Đồng Hới như Cầu Nhật Lệ 2 (thông tuyến năm 2018); cầu Nhật Lệ 3 (triển khai đầu năm 2020); đại lộ ven biển đường Võ Nguyên Giáp; tuyến đường Quang Trung kéo dài kết nối trung tâm thành phố Đồng Hới với huyện Lệ Thủy – trung tâm phát triển công nghiệp năng lượng gió và năng lượng mặt trời…

Không chỉ chú trọng triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối, Quảng Bình còn tập trung đầu tư nhiều dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ y tế tiêu chuẩn cao cấp như bến xe mới phía Nam thành phố Đồng Hới; xây dựng chợ Đồng Hới mới, công viên biển tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp rộng 20ha ngay chân cầu Nhật Lệ 2, công viên thành phố Đồng Hới tại phường Bắc Lý… Đặc biệt, hạ tầng du lịch ven biển từ phường Bắc Lý di chuyển qua cầu Nhật Lệ 2 và Nhật Lệ 3 được kiến tạo với hệ thống sân Golf và khu nghỉ dưỡng ven biển với tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD.

Những dự án trên khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi bộ mặt toàn tỉnh không chỉ về du lịch mà còn cải thiện hệ thống an sinh, giáo dục, hạ tầng giao thông... Không chỉ vậy, đây còn là điểm nhấn thu hút hàng loạt chuyên gia trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp, công nghệ xanh, từ đó thúc đẩy gia tăng giá trị bất động sản tại địa phương.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản Quảng Bình sẽ ngày càng sôi động với sự hiện diện của hàng loạt dự án tầm cỡ, đặc biệt là các dự án du lịch ven biển. Có thể nói, việc gia tăng sức hấp dẫn của Quảng Bình đã tạo hấp lực mạnh mẽ với các nhà đầu tư, đây cũng là lý do khiến mặt bằng giá bất động sản tại đây tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua.

Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 448 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2020 thu hút 74 dự án với tổng mức đầu tư gần 16,6 nghìn tỷ đồng.