Thị trường tuần qua: Chứng khoán, giá xăng liên tiếp tăng, đua nhau lập 'đỉnh'
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:51, 30/10/2021
VN-Index 3 lần liên tiếp lập đỉnh lịch sử
Kỳ tích của chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/10, khi thị trường tăng điểm tích cực nhất sau hơn 3 tháng, giúp VN-Index vượt ngưỡng cao nhất mọi thời đại trong lịch sử hơn 20 năm của chỉ số này. Đáng nói hơn, không đảo chiều sau khi đã lên đỉnh như quy luật thông thường, chỉ số VN-Index liên tục xác lập kỷ lục mới trong 3 phiên liên tiếp.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 27/10, VN-Index bất ngờ tăng tới 31,39 điểm, đạt mốc 1423,03 điểm, mức cao chưa từng có. Sang ngày 28/10, chỉ số VN-Index tiếp tục đạt đỉnh cao mới 1.438,01 điểm. Trong ngày giao dịch cuối tuần 29/10, VN-Index tuy tăng nhẹ nhưng cũng đủ sức xô đổ kỷ lục trước đó một ngày để kết tuần ở kỷ lục mới là 1.444,27 điểm.
Trong chuỗi phiên tăng này, rất nhiều cổ phiếu đồng loạt thăng hoa, tuy nhiên những nhóm bùng nổ nhất phải kể đến là dầu khí, cảng biển, vận tải biển, ngân hàng, thép, dệt may, chứng khoán, bất động sản...
Giới phân tích tỏ ra lạc quan với đà tăng trong dài hạn của thị trường và dự đoán, trong kịch bản tích cực, chỉ số VN-Index có thể hướng đến ngưỡng tâm lý 1.500 điểm trong thời gian tới. Nhà đầu tư được khuyến cáo nên tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn và có thể linh hoạt kết hợp với hoạt động trading cho vị thế ngắn hạn, chốt lời từng phần khi chạm kháng cự hoặc trải mua trở lại khi về hỗ trợ.
Giá xăng cao nhất 7 năm, đe dọa phục hồi kinh tế
Từ 16h ngày 26/10, giá mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng và giá dầu các loại đồng loạt tăng 120 - 1.010 đồng/lít,kg. Đây là kỳ tăng giá lần thứ tư liên tiếp, tính từ 10/9, đưa giá xăng RON 95 lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Theo Bộ Công Thương, thị trường nhiên liệu thế giới “lên cơn sốt” đã gây sức ép lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Trong khi đó, giới chuyên gia lo ngại, việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ hình thành mặt bằng giá mới, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Nguyên nhân vì xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân. Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.
Để bình ổn giá xăng dầu, giới chuyên gia cho rằng ngoài tính toán sử dụng quỹ bình ổn cho linh hoạt, hợp lý thì cần tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, cho nhiều doanh nghiệp vào tham gia, để thị trường tự điều tiết giá xăng dầu.
Giá xăng dầu cũng "làm nóng" hội trường Quốc hội. Nhiều đại biểu quốc hội đã lên tiếng hiến kế để bình ổn giá xăng dầu, trong đó có đề xuất giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường.
Giá heo hơi tăng dựng ngược sau khi giảm kỷ lục
Đang đà giảm sâu, giá heo hơi bất ngờ tăng dựng ngược, trong vòng một tuần đã tăng 20.000 đồng/kg. Một tuần trước đó, miền Bắc là khu vực có mức giá heo hơi thấp nhất cả nước, chỉ khoảng 30.000-35.000 đồng/kg, nay tăng lên 47.000 - 52.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và miền Nam, giá heo hơi cũng tăng lên 45.000 - 47.000 đồng/kg.
Với cú đảo chiều ngoạn mục này, những trang trại chăn nuôi tự chủ được con giống đã hoà vốn, còn những hộ nuôi phải mua con giống với giá 2,5 triệu đồng/con (thời điểm cách đây 4-5 tháng) thì vẫn lỗ, song cũng đỡ hơn là phải bán heo với giá chạm đáy như đợt vừa qua.
Theo dự báo, giá heo hơi vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới nhưng sẽ chững lại ở mức 55.000 đồng/kg.
Vốn FDI rót vào Việt Nam tăng mạnh
Tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Vốn đăng ký mới từ đầu năm đến nay đạt trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ.
Mức tăng ấn tượng này có được là do 10 tháng qua, 3 dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, bao gồm dự án Điện LNG Long An, 3,1 tỷ USD; LD Display Hải Phòng, tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, 1,31 tỷ USD, nên cả vốn đăng ký mới và tăng thêm đều tăng khá mạnh so cùng kỳ.
Hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6%. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2%. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...
TP.HCM cho bán tại chỗ, thí điểm bán rượu bia
Từ ngày 28/10, TP.HCM cho phép các hàng quán kinh doanh ăn uống được phục vụ tại chỗ, với điều kiện phải đóng cửa trước 21h hằng ngày và được phục vụ tối đa 50% công suất. Mặt khác, hàng quán không bán, không sử dụng đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm hết ngày 15/11. Sau thời gian thí điểm, chủ tịch UBND quận 7 và TP Thủ Đức đánh giá, rút kinh nghiệm để báo cáo, đề xuất UBND TP có cơ sở tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.
Cùng với đó, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM cho phép các địa phương quyết định việc mở lại quán bar, karaoke, vũ trường, cơ sở làm tóc, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo với điều kiện cụ thể là người làm việc phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; người tham gia phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Cấp độ 1 được hoạt động; cấp độ 2 hoạt động không quá 50% công suất; cấp độ 3 giảm xuống 25%; cấp độ 4 ngưng hoạt động.
Lợi nhuận Sabeco thấp kỷ lục
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm đến 68% chỉ còn 471 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Sabeco kể từ khi công khai báo cáo tài chính quý (năm 2014).
Doanh thu thuần của Sabeco đã giảm đến 47% về mức 4.282 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó còn giảm mạnh 54% xuống 1.142 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận gộp giảm từ 30,7% cùng kỳ xuống 26,7%.
Quy mô hoạt động thu hẹp cũng dẫn đến các chi phí được hạ ở mức thấp như chi phí bán hàng giảm 19% về 608 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 24% xuống 160 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm mạnh từ 24 tỷ xuống 3 tỷ đồng.
Cổ phiếu Vietnam Airlines bị kiểm soát
Từ ngày 3/11, mã HVN của Vietnam Airlines bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát, chỉ được giao dịch vào phiên chiều.
Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm 8.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 âm 17.808 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021.
Trước đó từ giữa tháng 4, cổ phiếu Vietnam Airlines đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm của hãng bay này, kiểm toán viên nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines, phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và được gia hạn các khoản vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, cho thuê, cũng như diễn biến dịch COVID-19.
Hiện nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 34.664 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 2.800 tỷ đồng.
Trên thị trường, mã HVN đang giao dịch mức 25.100 đồng/cổ phiếu, giảm 11% từ đầu năm, tương đương mỗi cổ phiếu “bay” 3.150 đồng.
Dự án điện gió "tỷ đô" ở ngoài khơi vùng biển Bình Định
Dự án điện gió do tỉnh Bình Định kết hợp với Tập đoàn PNE (Cộng hòa liên bang Đức) dự kiến thực hiện ở ngoài khơi thuộc hải phận 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), với tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD, xây dựng 154-166 tuabin gió với tổng công suất khoảng 2.000 MW.
Dự án sẽ thực hiện trong 3 giai đoạn, giai đoạn 1 thí điểm có công suất 700 MW, tổng vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD xây dựng ở vùng biển ven bờ 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát có độ sâu từ 60m-100m.
Phía Tập đoàn PNE sẽ tiến hành các bước khảo sát kỹ thuật liên quan tới dự án trong năm 2021. Tuy nhiên do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đề nghị gia hạn thời gian thêm 18 tháng kể từ ngày 18/10.
Vì vậy, giai đoạn thí điểm dự kiến vận hành năm 2025. Giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2026 và giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW, dự kiến vận hành năm 2027.
Đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng vừa đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nhằm phát triển nhà ở xã hội và nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Trong đó, 14.000 tỷ đồng được bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, giúp các đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở vay để mua, thuê, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung 1.000 tỷ đồng, vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.
Bên cạnh việc đề xuất gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng đề nghị, trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê.
Giá iPhone 13 xách tay ‘bốc hơi’ cả chục triệu đồng
Sau thời gian đầu đưa máy iPhone 13 về Việt Nam với mức giá cao ngất ngưởng, nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại đang giảm giá sâu đối với các mẫu iPhone 13 xách tay.
Theo ghi nhận, iPhone 13 xách tay phiên bản 128GB được điều chỉnh giá từ 25 triệu xuống khoảng hơn 21,9 triệu đồng (hàng chính hãng có giá khoảng 23.5 triệu đồng). iPhone 13 mini giá 18,9 triệu, giảm 3 triệu đồng (hàng chính hãng giá 20,5 triệu đồng). iPhone 13 Pro giảm 4 triệu xuống 27,9 triệu đồng (chính hãng: 29,9 triệu đồng). Bản cao cấp nhất 13 Pro Max 1TB cũng giảm 6 triệu và hiện có giá 43,9 triệu đồng, rẻ hơn hàng chính hãng khoảng 1 - 3 triệu đồng.
Phiên bản ăn khách nhất là iPhone 13 Pro Max 128GB hàng xách tay từ Mỹ. Thời gian đầu về nước, iPhone 13 Pro Max có giá 50 - 60 triệu đồng. Nhưng đến nay cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 39 - 40 triệu đồng. Nghĩa là so với thời điểm sốt nhất, chiếc iPhone 13 Pro Max đã "bốc hơi" cả chục triệu đồng.
CÔNG HIẾU