Tiếp tục ổn định thị trường hàng hóa, chuẩn bị hàng Tết

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 20:34, 28/10/2021

Thị trường hàng hóa tại nhiều tỉnh thành phía Nam tương đối ổn định, TP.HCM và các tỉnh thành cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán sắp tới.

Thị trường dần ổn định

Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương, tại TP.HCM, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.018/3101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam tiếp tục bình ổn thị trường hàng hóa, chuẩn bị hàng Tết. Ảnh: BCT

Tại tỉnh Tiền Giang, hiện có 140/181 chợ truyền thống (tỷ lệ 77%) đang hoạt động, ngoài ra còn có 4/4 siêu thị và chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, VinMart+ vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định.

Tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống rau, củ, quả, trứng, thịt, cá... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Các cơ sở thực hiện niêm yết giá đầy đủ, đúng quy định. Giá cả các mặt hàng như rau, củ quả tại các chợ trên địa bàn thành phố Cà Mau và các huyện có dao động nhưng không đáng kể do đầu mối cung cấp điều chỉnh giá (chi phí vận chuyển, nhân công…).

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, hiện tại, nguồn hàng cung ứng cho TP.HCM đã ổn định, không biến động. Bình quân nguồn hàng tập kết các điểm trung chuyển của 3 chợ đầu mối là 1.800 tấn/đêm, đáp ứng được nhu cầu hàng hoá của người dân TP.HCM.

Liên quan đến tiến độ mở lại các chợ truyền thống, theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, đến nay, 129/234 chợ đã được mở lại. Dự kiến đến hết ngày 31/10, 16 chợ sẽ được mở thêm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Tại các tỉnh, thành phía Nam khác nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm. Đến nay, một số địa phương đã có nhiều chợ truyền thống hoạt động trở lại, tỷ lệ chợ tạm dừng hoạt động thấp như: Bến Tre (2/159), Sóc Trăng (4/124), An giang (7/203), Trà Vinh (4/116), Kiên Giang (14/136), Bình Phước (9/57), Tiền Giang (41/181). Tuy nhiên, tại một số địa phương tỷ lệ chợ tạm dừng hoạt động vẫn còn cao như TP.HCM (114/234), Đồng Nai (51/148), Bình Dương (69/97), Đồng Tháp (100/182)…

Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa Tết cho người dân

Cùng với đó, Tổ Công tác cũng phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng giá trị hàng Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022, phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chương trình bình ổn giá sẽ triển khai đối với 19 mặt hàng gồm: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa, vở học sinh.

Trao đổi với báo chí về tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ Tết, ông Lê Huỳnh Minh Tú chia sẻ, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, điều kiện đi lại khó khăn, Sở vẫn chưa hoàn chỉnh kế hoạch cung ứng hàng hoá chi tiết như những năm trước. Hiện tại, Sở Công Thương TP.HCM đang phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, các đơn vị liên quan để rà soát lại nguồn hàng.

Tuy nhiên, Sở Công Thương cam đoan việc cung ứng hàng hóa Tết cho người dân sẽ được đảm bảo đầy đủ như mọi năm, cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú khẳng định.

Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, tỉnh thành phố năm 2021, Tết Nguyên đán năm 2022 và ứng phó với các tình huống dịch bệnh COVID-19.

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)