Có nên mở cửa trường học lúc này?

Xã hội - Ngày đăng : 16:59, 28/10/2021

Nếu cứ vì nỗi lo sợ mà không cho học sinh đến trường khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tương đối cũng không phải là giải pháp tốt. Vậy làm sao để mở cửa trường học an toàn?
Có nên mở cửa trường học lúc này?
Mở cửa trường học an toàn lúc này được không? (Ảnh: Hà Anh)

Tính đến thời điểm này, học sinh đã nghỉ học (kể cả thời gian hè) đã gần 6 tháng. Dù ngành giáo dục ở các địa phương vẫn đang tổ chức cho học sinh học tập với nhiều hình thức như học trực tuyến, học trên truyền hình, gửi bài trên Zalo, Azota, tin nhắn… nhưng phụ huynh và học sinh vẫn mong ngóng ngày được trở lại trường học trực tiếp.

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa muốn cho con đến trường khi chưa được tiêm vaccine Covid-19.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Ngày 25/10, ngày đầu tiên 16 trường ở tỉnh Cà Mau cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, tuy nhiên có hơn 2.000 học sinh tiểu học và THCS không đến lớp.

Một số nơi khác vừa mở cửa trường đã có ngay F0 nên lập tức phải cho học sinh nghỉ học tiếp. Tại Phú Thọ mới đây toàn tỉnh có 9 giáo viên và 145 học sinh vào diện F0. Tổng số cán bộ, giáo viên, học sinh vào diện F1 là 3.048 người, trong đó có 332 giáo viên và 2.716 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, học sinh vào diện F2 là 13.824 người, trong đó có 1.839 giáo viên và 11.985 học sinh.

Quảng Nam cũng có nhiều ca F0 liên quan 4 trường học trên địa bàn huyện Nam Trà My. Ngành Y tế đã ghi nhận 132 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 20 ca đã khẳng định, 112 ca test nhanh.

"Nếu cứ vì nỗi lo sợ mà không cho học sinh đến trường khi dịch bệnh cũng đã được kiểm soát tương đối cũng không phải là giải pháp tốt. Việc dạy và học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế bởi chất lượng thật sự từ hình thức dạy học này không cao. Chuyện lùi thời gian tựu trường cũng không được nữa vì quỹ thời gian năm học đã gần hết. Dù thế, không phải vì chuyện học tập để đánh cược với sức khỏe của trẻ".

Hiện nay, nhiều địa phương đã phân thành các vùng xanh, cam, vàng, đỏ. Những vùng xanh, học sinh có thể tới trường, tuy nhiên không ít nơi mới mở cửa trường hôm trước, hôm sau đã phải đóng cửa vì phát hiện người dương tính.

Khái niệm vùng xanh cũng chỉ là tương đối vì ví như trường học ở vùng xanh nhưng giáo viên hoặc học sinh lại ở vùng cam, vùng vàng nên nguy cơ lây nhiễm là không hề nhỏ. Hay hôm nay nơi đó đang là vùng xanh thì chỉ ngày mai thôi đã trở thành vùng đỏ.

Nếu các cơ quan công sở đi làm việc còn có nhiều biện pháp phòng tránh an toàn như người lớn thì thực hiện 5k tốt hơn học sinh. Hiện giáo viên ở các trường học gần như đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine nhưng học sinh vẫn chưa được tiêm mũi nào.

Trường học nguy cơ lây nhiễm vô cùng lớn. Mỗi lớp học, ít thì 35 học sinh, nhiều có khi lên 60 em/lớp làm sao có thể giữ khoảng cách an toàn? Học trò nhỏ giáo viên cũng không thể quán xuyến hết. Chuyện ra chơi, chạy nhảy, đùa giỡn nhau rất là bình thường. Nếu một học sinh F0 thì nguy cơ mấy trăm em cùng rất nhiều thầy cô giáo sẽ liên quan và kéo theo hàng trăm gia đình đứng trước nguy cơ lây nhiễm.

Tuy thế, nếu cứ vì nỗi lo sợ mà không cho học sinh đến trường khi dịch bệnh cũng đã được kiểm soát tương đối cũng không phải là giải pháp tốt. Việc dạy và học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế bởi chất lượng thật sự từ hình thức dạy học này không cao. Chuyện lùi thời gian tựu trường cũng không được nữa vì quỹ thời gian năm học đã gần hết. Dù thế, không phải vì chuyện học tập để đánh cược với sức khỏe của trẻ.

Mở cửa trường học an toàn, được không?

Vậy làm thế nào học sinh vừa được học tập hiệu quả lại vừa đảm bảo an toàn trong lúc này?

Tại Bình Thuận, một số địa phương đang áp dụng việc chia đôi lớp để học sinh đến trường khá an toàn. Ở vùng xanh, các em được đi học bình thường nhưng luôn trong thế chủ động khi trên địa bàn có ca nghi nhiễm, học sinh lập tức được chuyển qua học online.

Những vùng cam, nhà trường chia lớp học làm 2 và học 2 ca mỗi ngày. Giáo viên có thể vất vả một chút nhưng phần trăm an toàn cho học sinh lại khá cao. Lợi thế các lớp học tại Bình Thuận có sĩ số không cao, bậc tiểu học cao nhất chỉ 35 em/lớp. Mỗi ca học 17 em, được xếp mỗi học sinh 1 bàn. Thời gian học 2 tiếng không có ra chơi. Giáo viên sẽ đón học sinh vào mỗi ca học và cho ngồi luôn trong lớp.

Học hết giờ, phụ huynh đón con ngoài cổng. Giáo viên sắp xếp cho các em đi giữ khoảng cách ra cổng và lên xe cha mẹ đưa về nhà.

Nhiều giáo viên cho biết, các em tới lớp ngồi vào vị trí không nói chuyện, chơi đùa với ai. Trong lớp, mỗi em một bàn và mang khẩu trang đầy đủ. Hình thức học kiểu chia lớp đã diễn ra cả tháng trời, đang được đánh giá khá an toàn và hiệu quả.

Từ cách chia lớp làm hai, chúng tôi nghĩ rằng địa phương nào cũng có thể làm được. Nếu trường học không đủ cho mỗi phòng một lớp thì nên phân ca học so le nhau (thứ hai, thứ tư, thứ sáu từ 2 đến 3 khối học rồi lại thứ ba, thứ năm, thứ bảy những khối còn lại học). Vừa kết hợp học trực tiếp, vừa học trực tuyến chắc chắn kết quả sẽ được cải thiện hơn.

Cứ vì sợ dịch bệnh mà đóng cửa trường mãi cũng không phải là cách hay. Vấn đề là mỗi địa phương cần đánh giá đúng tình hình dịch bệnh nơi ấy để đưa ra những biện pháp phòng chống tốt nhất để từ đó chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp và hiệu quả đối với các em.

Bác sĩ, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho rằng khi chưa có vaccine cho trẻ em thì chưa nên mở cửa trường học trực tiếp mà nên học online. Đến khi ta có được vaccine cho học sinh cấp 3, mở cửa cấp 3 đồng thời với cấp 1, còn cấp 2 thì đợi khả năng tiêm phủ vaccine đến đâu thì mới nên quyết định tiếp.

Theo ông Hiếu, bây giờ đã mở cửa, với chiến lược sống cùng Covid-19 nên ai cũng có nguy cơ nhiễm cả. "Chúng ta có chiến lược là nếu nhiễm ngoài cộng đồng thì sẽ điều chỉnh, cách ly khoanh vùng ở diện nhỏ. Nhưng một trường học rất khó vì học tập trung các cháu với nhau. Vì thế, tôi mong là ta tiêm sớm và triển khai học. Số lượng không nhiều, nên chỉ khi có vaccine, dồn sức tiêm thì chỉ 1 tuần là tiêm xong cho học sinh cấp 3, mở cửa trở lại mới đi học trở lại", ông Hiếu nói. Đồng thời, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng vấn đề lúc này là cần tập trung đẩy nhanh việc mua vaccine về.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lại cho rằng quan điểm nên tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học là không phù hợp.

Theo ông Phu, chưa nói đến nguồn cung vaccine vẫn khan hiếm, ngay cả trong trường hợp có đủ vaccine thì việc phải tiêm đủ 2 mũi để có kháng thể cũng mất nhiều thời gian. Như thế, năm học sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng đến học sinh, nhất là học sinh các lớp đầu cấp, cuối cấp.

Vì vậy, ông Phu đề xuất khi mở cửa trường, các lớp học nên tổ chức độc lập với nhau, tránh giao lưu giữa lớp nọ sang lớp kia. Trong trường hợp dịch xảy ra ở lớp nào thì chỉ đánh giá nguy cơ ở lớp đấy. Nếu các lớp khác không có yếu tố dịch tễ thì vẫn tổ chức dạy học bình thường.

*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

Ngọc Huyền*