Nguy cơ ôm nợ hàng trăm tỷ đồng, người nuôi cá ở Đà Nẵng cầu cứu
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:30, 27/10/2021
Video: Ngư dân Đà Nẵng trước nguy cơ ôm nợ hàng trăm tỷ đồng
Trước thông tin Đà Nẵng ban hành kế hoạch chấm dứt nuôi trồng thủy hải sản lồng bè trên địa bàn toàn thành phố, hàng trăm hộ dân như ngồi trên lửa vì đối diện nguy cơ vỡ nợ khi đã cầm cố nhà cửa, vay mượn hàng chục tỷ đồng đầu tư nuôi thủy sản.
Nguy cơ ôm nợ hàng trăm tỷ đồng
Ông Hồ Thanh Quý (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, những ngày qua, gia đình rất lo lắng trước thông tin thành phố yêu cầu các hộ dân chấm dứt nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang.
Theo ông Quý, từ năm 1996, một số hộ dân tận dụng mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên khu vực vịnh Mân Quang và từ đó đến nay hàng trăm hộ làm nghề, sống dựa vào những lồng bè này.
Năm nay, gia đình ông Quý vay mượn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để nuôi các loại cá mú, cá chim, cá bớp trên diện tích khoảng 1.400m2 mặt nước ở vịnh Mân Quang. Tuy nhiên, trong đợt dịch vừa qua, do không thể chăm sóc, theo dõi cá hàng ngày (thành phố phong tỏa, 3 ngày ngư dân mới được ra bè 1 lần) nên cá đói, chết rất nhiều, thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng.
“Năm nào chúng tôi cũng vay vốn hàng tỷ đồng để đầu tư nuôi cá nhưng bây giờ đối diện nguy cơ phá sản. Đợt dịch vừa rồi gia đình tôi thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, bây giờ vẫn còn 20 tấn cá các loại dưới lồng bè nhưng không tiêu thụ được vì không có người mua, trong khi các khoản nợ vẫn chưa trả”, ông Quý lo lắng.
Ông Quý cho biết thêm, để duy trì số lượng cá, mỗi ngày ông phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng mua thức ăn. Nguyên nhân không thể bán được là vì hệ thống nhà hàng, quán nhậu chưa hoạt động nhiều như trước đây, việc xuất đi các địa phương khác cũng gặp khó vì tình hình dịch bệnh.
Ngư dân Nguyễn Văn Bông cho biết, hiện gia đình ông cũng tồn khoảng 40 tấn cá dưới lồng bè. Bình thường giá nhập khoảng 150 nghìn đồng/kg nhưng bây giờ 100 nghìn đồng/kg cũng không có người mua. Cá không bán được nhưng cũng không thể bỏ đói nên mỗi ngày gia đình phải mất khoảng 40 triệu đồng mua thức ăn duy trì.
“Tất cả gia tài, vốn liếng vẫn đang nằm dưới vịnh. Nếu chính quyền yêu cầu chấm dứt nuôi trong tháng 10 này thì chúng tôi phá sản vì cá không xuất được, chẳng lẽ chặt lưới thả ra biển. Rất mong thành phố xem xét gia hạn thời gian để người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có quy hoạch vùng nuôi để chúng tôi có kế sinh nhai”, ông Bông kiến nghị.
Không chỉ các hộ nuôi cá, nhiều gia đình đầu tư nuôi nghêu, vẹm tại vịnh Mân Quang cũng đang đối diện nguy cơ nợ nần chồng chất nếu phải dừng nuôi theo yêu cầu của TP Đà Nẵng.
Theo ông Châu Minh Hà, từ năm 2008, ông đầu tư hàng chục tỷ đồng để nuôi nghêu trên diện tích khoảng 2.000m2 mặt nước tại khu vực cửa biển Thuận Phước (vịnh Mân Quang). Đến thời điểm này, ông vẫn còn hàng chục tấn nghêu vào kỳ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được. Ông Hà nhẩm tính, với giá nghêu trắng 30 nghìn/kg, nghêu đỏ 140 nghìn/kg thì số tiền rất lớn và đó là nguồn để ông trả nợ ngân hàng nhưng tất cả vẫn nằm dưới nước chứ chưa thấy đâu vì không bán được.
“Cách đây mấy ngày, chính quyền địa phương cử đoàn công tác xuống thực tế chuẩn bị cho việc cưỡng chế nhưng chúng tôi không chấp nhận vì tiền của đang nằm dưới đó. Đề nghị chính quyền quan tâm, xem xét. Nếu cưỡng chế, chúng tôi có nguy cơ mất nhà vì vỡ nợ. Vì vậy, tôi và các hộ nuôi nghêu kiến nghị, khi nào thành phố thu hồi để triển khai các dự án hoặc công trình nào đó thì chúng tôi sẵn sàng trả, còn nếu chưa thì nên tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục nuôi tại đây”, ông Hà nói.
Chung nỗi lo, hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang đứng ngồi không yên vì hạn cuối do thành phố đưa ra đang cận kề. Theo các ngư dân, hiện có hơn 230 hộ đang nuôi thủy sản trên vịnh Mân Quang với khoảng 480 lồng bè. Số tài sản này là hàng trăm tỷ đồng nhưng không bán được dù giá đã hạ đến mức thấp nhất có thể.
“Chúng tôi đầu tư nhà ít cũng vài ba tỷ đồng, nhà nhiều thì lên đến hàng chục tỷ nhưng đợt dịch vừa rồi thiệt hại nhiều, bây giờ số hải sản còn lại không bán được để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng. Chúng tôi đã gửi đơn cầu cứu, đề nghị thành phố xem xét cho kéo dài thời gian để ngư dân bán sản phẩm thu hồi vốn. Đồng thời, thành phố cũng nên xem xét, quy hoạch khu nuôi thủy sản như các địa phương khác để chúng tôi được duy trì nghề”, ông Nguyễn Ngọc Lân nêu kiến nghị.
Phải chấm dứt nuôi thủy sản
Theo kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng, trong tháng 10/2021, lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu các chủ nuôi cá lồng bè tự tháo dỡ tài sản của mình sau khi thu hoạch thủy hải sản.
Kể từ đầu tháng 11 đến 31/12, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan sẽ ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hộ không chấp hành, đồng thời đảm bảo không để phát sinh kể từ năm 2022.
UBND thành phố chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp chính quyền địa phương rà soát nhu cầu học nghề, chuyển đổi ngành nghề, kết nối các cơ sở, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động để tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, các ngư dân cho rằng họ đã gắn bó với nghề quá lâu, bây giờ chuyển đổi nghề sẽ rất khó vì lớn tuổi, không thể học nghề nên có đơn kiến nghị mong muốn được thành phố xem xét, quy hoạch khu nuôi thủy sản để tạo điều kiện duy trì nghề.
Trả lời đơn kiến nghị của các hộ nuôi thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết, hiện UBND TP Đà Nẵng không quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn thành phố nói chung cũng như địa bàn quận Sơn Trà nói riêng.
Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố cũng chỉ đạo chấn chỉnh, quản lý chặt, xây dựng lộ trình chấm dứt nuôi cá lồng bè trên lưu vực các sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, vịnh Mân Quang.
Theo Kết luận số 143-TBTU ngày 11/6/2021 của Thành ủy Đà Nẵng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, Sở NN&PTNT, Thường trực Thành ủy chỉ đạo cơ quan chức năng chấm dứt các hoạt động nuôi cá lồng bè trên địa bàn thành phố trong năm 2021.
Vì vậy, Sở NN&PTNT đề nghị các hộ nuôi trồng thủy sản tại vịnh Mân Quang nghiêm túc chấp hành chủ trương, quy định của Nhà nước về chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát trong năm 2021, thu hoạch thủy hải sản và sớm có kế hoạch xử lý lồng bè, trại nghêu để hạn chế thiệt hại về kinh tế đến mức thấp nhất.
XUÂN TIẾN