Giá xăng tiến lên đỉnh lịch sử, cách nhanh nhất giảm mối nguy cơ
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:00, 27/10/2021
"Kỷ lục" sắp bị phá
Từ 20h ngày 23/6/2014, các doanh nghiệp xăng dầu đã niêm yết giá bán xăng RON 95 ở mức giá 25.730 đồng một lít (vùng một). Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 95 có giá là 26.240 đồng một lít.
Đây được coi là mức giá cao nhất trong lịch sử của RON 95. Kỷ lục này đến nay chưa bị phá vỡ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng RON 95 đang hướng đến vùng giá cao nhất lịch sử thiết lập vào tháng 6/2014.
Giá xăng dầu tăng giá liên tục thời gian qua. Ảnh: Lương Bằng |
Vào tháng 5/2019, giá xăng dầu cũng trải qua chuỗi ngày tăng giá mạnh, hướng gần đến mốc kỷ lục trên khi xăng RON 95 đạt 22.190 đồng/lít. Rất may sau đó, giá xăng dầu đã lao dốc.
Nhưng lần này, vùng “đỉnh” lịch sử của giá xăng năm 2014 rất có khả năng bị phá vỡ khi giá cả các mặt hàng năng lượng như xăng, dầu đang tạo sóng trên khắp thế giới. Giá bán xăng RON95 tại Việt Nam đã đạt mức giá 24.330 đồng/lít, chỉ còn chưa đến 2.000 đồng nữa là sẽ thiết lập “đỉnh mới”.
Thực tế, nếu không trích lập Quỹ bình bình ổn giá xăng dầu, kỷ lục mới của giá xăng đã không phải là 25.730 đồng/lít thiết lập vào năm 2014 nữa. Theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành ngày 26/10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Nhưng Quỹ bình ổn giá cũng khó có thể gồng gánh thêm nữa!
Tại thời điểm đầu tháng 5/2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn đã âm nặng. Petrolimex thời điểm đó âm 355 tỷ đồng. PVOil cũng âm gần 500 tỷ đồng. Quỹ âm nặng trong khi vẫn xả Quỹ bình ổn khiến nhiều doanh nghiệp “kêu ca” khi tạm thời phải dùng tiền tự có/hoặc vay ngân hàng để bù vào.
Lúc này, tình trạng tương tự đang diễn ra. Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều doanh nghiệp đầu mối cũng đã âm nặng hơn năm 2019. Trước thời điểm 16h00 ngày 26/10, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex âm (-262) tỷ đồng. Tại thời điểm 11/10, PVOil cũng âm quỹ bình ổn giá lên tới gần 700 tỷ đồng.
Do đó, nếu thời gian tới giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang, thì giá xăng dầu trong nước cũng không thể dựa vào Quỹ bình ổn giá để kiềm chế đà tăng.
Để giảm giá xăng, cần tính tới giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu. Ảnh: Lương Bằng |
Muốn giảm giá xăng, phải giảm thuế
“Quỹ bình ổn giá như cái sổ tiết kiệm trong gia đình, phải biết chi tiêu vào thời điểm nào và chi bao nhiêu thì phù hợp hoàn cảnh kinh tế. Lúc dịch bệnh phức tạp, người dân phải ở nhà, nhà máy đóng cửa, sản xuất đình trệ mà vẫn chi Quỹ là không phù hợp. Giờ đây nhịp sống đã trở lại bình thường, người dân đi lại nhiều, nhà máy sản xuất phục hồi thì giá xăng dầu có thể lại tăng mạnh khi Quỹ bình ổn giá đã chi hết”, một chuyên gia xăng dầu chia sẻ.
Đáng chú ý, giá xăng dầu trong nước thời gian tới có thể rơi vào trạng thái tăng - giảm không nhịp nhàng theo giá thế giới. Thời gian qua, Bộ Công Thương đánh giá, việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá đã giúp giá xăng dầu trong nước có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới.
Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.
Nhưng nếu giá xăng dầu thời gian tới giảm, thì giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng giảm chậm hơn giá thế giới. Bởi vì nhà điều hành sẽ phải cân nhắc để trích lập lại Quỹ bình ổn giá để dùng khi cần.
Còn nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ khó có thể diễn biến khác. Như vậy, gánh nặng lên người dân, doanh nghiệp sẽ là rất lớn (Người dân sử dụng nhiều xăng, còn doanh nghiệp tiêu thụ lượng lớn dầu diesel).
Chính phủ từng yêu cầu tìm cách giảm giá xăng trong nước. Thế nhưng, đây là việc không dễ. Giá xăng dầu trong nước dù chưa phản ánh hết được diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nhưng cơ bản vẫn biến động cùng chiều: Giá thế giới tăng, giá trong nước tăng.
Vì vậy, muốn giảm giá xăng dầu, chỉ có thể sử dụng công cụ của Nhà nước. Đó là thuế. Trong đó, giảm thuế bảo vệ môi trường là công cụ gần như hữu hiệu nhất. Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng kịch khung. Thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.
Từ đó đến nay, ngoại trừ việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay vào năm ngoái, thì thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, xăng RON 95 và các mặt hàng dầu vẫn giữ nguyên trên “đỉnh”. Muốn giảm sức ép lên giá xăng dầu thì giảm mức thuế này là hữu hiệu nhất.
Nhưng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách, lại đang lúc ngân sách khó khăn này, việc giảm thuế trước hết phải được sự đồng thuận của Bộ Tài chính để trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì thế, để giảm sức ép tăng giá xăng dầu lúc này hành động của Bộ Tài chính đóng vai trò quan trọng.
Lương Bằng