Nền văn hóa đa sắc tộc đặc biệt ở Singapore
Du lịch online - Ngày đăng : 14:41, 24/10/2021
Thuật ngữ Peranakan xuất hiện từ thế kỷ 15, có liên quan đến truyền thuyết cuộc hôn nhân giữa công chúa Trung Quốc và quốc vương Malacca.
Theo đó, những người đàn ông trong đoàn tùy tùng của công chúa đã kết hôn với phụ nữ Malaysia bản địa và con cái của họ được gọi là peranakan, nghĩa là "sinh ra tại địa phương" trong tiếng Mã Lai.
Những người Peranakan đầu tiên đã chuyển đến sinh sống ở vùng đất ngày nay là Singapore và Penang. Đến thế kỷ 19, bán đảo Mã Lai tiếp nhận cuộc di dân lớn khi hàng nghìn người đàn ông Trung Quốc độc thân tới Singapore làm việc tại các bến tàu, đồn điền.
Những ngôi nhà cổ kính, trang trí nhiều màu sắc của người Peranakan. Ảnh: sfgate.
Để tìm hiểu nguồn gốc của người Peranakan, các nhà khoa học đã nghiên cứu hồ sơ ADN của 177 người thuộc cộng đồng này. Kết quả cho thấy, chỉ 5,6% người Peranakan có tổ tiên là người Mã Lai. Trong đó, sự di truyền chủ yếu đến từ phụ nữ.
Tuy vậy, nghiên cứu cũng không làm giảm đi niềm tự hào của người Peranakan với di sản cha ông. "Người Peranakan là bản sắc văn hóa, không phải bản sắc dân tộc", Baba Colin Chee, chủ tịch Hiệp hội Peranakan của Singapore, nói với Straits Times.
Dân tộc Trung Hoa, văn hóa Peranakan
Đàn ông Peranakan được gọi là Baba (kính ngữ có nguồn gốc từ Ba Tư), còn phụ nữ có danh xưng Nyonya (từ tiếng Bồ Đào Nha). Ngôn ngữ chính của cộng đồng này là Baba Malay, sự pha trộn giữa tiếng Malaysia và phương ngữ Phúc Kiến ở Trung Quốc.
Người Peranakan rất ưa chuộng đồ nội thất bằng gỗ. Ảnh: CNN.
Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Peranakan nổi tiếng về sự giàu có và sở thích mua sắm. Họ đã nhập khẩu hạt thủy tinh từ Pháp, bát đĩa tráng men từ Ba Lan, áo choàng ren thêu từ Hà Lan, đồ nội thất bằng gỗ tếch từ Trung Quốc và gạch hoa từ Anh.
"Người Peranakan thích những thứ đẹp đẽ. Nhờ sự sáng tạo, họ bắt đầu pha trộn ngôn ngữ, ẩm thực và thời trang từ nhiều nền văn hóa để tạo nên bản sắc riêng", Angeline Kong, hướng dẫn viên tại cửa hàng Katong Antique House ở Singapore, tiết lộ với National Geographic.
Sự thịnh vượng của cộng đồng này đạt đến đỉnh cao trong hai thập niên 1920 và 1930, nhưng bắt đầu suy giảm khi Nhật Bản chiếm đóng Singapore. Để tồn tại, người Peranakan phải bán bớt những đồ vật đắt tiền. Sau chiến tranh, lối sống của họ đã thay đổi ít nhiều.
Tuy vậy, văn hóa Peranakan ở Singapore đã bị đe dọa nghiêm trọng vào những năm 1960 và 1970.
Dép đính cườm của người Peranakan ở Singapore. Ảnh: visitsingapore.
Sau khi thoát khỏi ách thống trị trong suốt 140 năm của người Anh, Singapore hướng đến hiện đại hóa đất nước và muốn bỏ lại những truyền thống văn hóa phía sau.
Các tòa nhà Peranakan thời thuộc địa đã được thay thế bằng những chung cư cao tầng và trung tâm thương mại lớn. Đồ ăn nhanh thay thế cho những đồ ăn truyền thống. Thế hệ trẻ thích giày Reeboks hơn là Peranakan kasut Mahk (dép đính cườm).
Song, việc phá dỡ các công trình lịch sử khiến Singapore đánh mất "bản sắc Á châu". Đồng thời, lượng khách du lịch cũng sụt giảm vì đảo quốc sư tử đã loại bỏ các khía cạnh huyền bí và quyến rũ của phương Đông.
Trong bối cảnh đó, các nhà bảo tồn đã tiến hành trùng tu nhiều căn nhà phố cổ kính với tầng trệt trở thành cơ sở kinh doanh, còn những lầu trên là nơi ở của gia đình.
Đám cưới truyền thống của người Peranakan. Ảnh: The Star.
Ngày nay, du khách có thể tìm hiểu lịch sử và cuộc sống của người Peranakan tại một số bảo tàng tư gia ở con phố Katong và Joo Chiat.
Đặc biệt, ngôi nhà 3 tầng NUS Baba House hiện còn lưu giữ khoảng 2.000 hiện vật mô tả chi tiết lối sống từ sự di cư của người Peranakan, với yếu tố đặc trưng như đồ nội thất bằng gỗ xà cừ, bàn thờ tổ tiên lớn và giường ngủ sơn mài.
Bên cạnh đó, khác với những món ăn đơn giản được bán tại quầy hàng rong ở Singapore, văn hóa ẩm thực của người Peranakan phải tốn nhiều công sức để thực hiện. Trong khi người đàn ông làm kinh doanh, người phụ nữ ở nhà và chăm sóc gia đình. Vì vậy, họ dành thời gian để tổ chức các bữa tiệc.
Các món ăn không thể thiếu rempah, hỗn hợp gia vị gồm ớt, hẹ tây, thầu dầu và mắm tôm Belacan.
Tại Bảo tàng Quốc gia Singapore, National Kitchen của Violet Oon vẫn phục vụ các món ăn truyền thống trong không gian được trang trí đèn chùm từ thập niên 1920 và lát gạch hoa Peranakan để lưu giữ những kỷ niệm.
Phải tốn nhiều công sức để thực hiện các món ăn của người Peranakan. Ảnh: Time Out.
Những người Peranakan tin rằng, nền văn hóa độc đáo này sẽ được lan tỏa khắp thế giới khi có nhiều du khách ghé thăm và ghi lại trải nghiệm của họ.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh sự đa dạng văn hóa Peranakan. Lịch sử không phải là góc nhìn cá nhân mà là tập hợp của nhiều câu chuyện", nhà sử học Peter Lee khẳng định.