Facebook đổi tên: Nhìn lại những vụ 'thay tên đổi vận' của các 'ông lớn' Mỹ

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:45, 22/10/2021

Trong gần 2 thập kỷ qua, tên gọi Facebook hầu như đồng nghĩa với mạng xã hội. Nhưng nếu gã khổng lồ công nghệ Mỹ này đổi tên điều đó có thể sẽ không còn nữa.

Theo tờ The Verge, mạng xã hội Facebook đang lên kế hoạch đổi tên công ty. Việc đổi tên này sẽ bao gồm việc thành lập một công ty mẹ mới. Facebook và các ứng dụng khác như Instagram và WhatsApp sẽ trở thành các công ty con. Việc đổi tên này dự kiến được thông báo vào ngày 28/10 tại Hội nghị Kết nối thường niên của Facebook hoặc sớm hơn.

Facebook đổi tên: Nhìn lại những vụ thay tên đổi vận của các ông lớn Mỹ - 1

Facebook đang lên kế hoạch đổi tên công ty (Ảnh: Reuters).

Tỷ phú sáng lập Zuckerberg và Facebook đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của Mỹ về việc phát tán thông tin sai lệch và gây hại cho thanh thiếu niên và trẻ em. Và Facebook không phải là doanh nghiệp đầu tiên đổi tên hay thương hiệu trong thời kỳ khủng hoảng của họ.

Với một số doanh nghiệp, việc đổi tên đã mang lại điều tốt đẹp hơn, nhưng với một số khác lại trở nên tồi tệ hơn.

Dẫn chứng cho điều đó, CNBC đã đưa ra 7 trường hợp đổi tên công ty, trong đó có cả những ông lớn công nghệ Mỹ như Google, Apple.

Google trở thành Alphabet

Google đã thực hiện việc đổi tên từ năm 2015 và thành lập công ty mẹ Alphabet. Google cho rằng việc đổi tên này là giúp nhấn mạnh đến các lợi ích kinh doanh không liên quan đến lĩnh vực tìm kiếm của Google như trí tuệ nhân tạo, ô tô tự lái và đầu tư mạo hiểm.

Facebook đổi tên: Nhìn lại những vụ thay tên đổi vận của các ông lớn Mỹ - 2

Google đã thực hiện việc đổi tên này từ năm 2015 và thành lập công ty mẹ Alphabet (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Google cũng chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý Mỹ bao gồm cả các cuộc điều tra chống độc quyền do lo ngại hoạt động kinh doanh của công ty kìm hãm sự cạnh tranh.

Việc thay đổi thương hiệu của Google dường như vẫn không làm thay đổi được dư luận. Công ty này vẫn thường được gọi là Google và Alphabet hiện vẫn phải đối mặt với sự giám sát về chống độc quyền. Nhưng từ góc độ tài chính, theo CNBC, không thể coi việc đổi tên là một thất bại. Giá cổ phiếu của Alphabet đã tăng gần gấp 5 lần kể từ khi công ty đổi tên. Hiện giá trị thị trường của công ty là 1.900 tỷ USD.

Điều thú vị là đó không phải là lần đổi tên đầu tiên của Google. Các nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã đổi tên công ty thành Google vào năm 1998 từ tên gọi ban đầu là BackRub.

Sự thay đổi nhỏ nhưng quan trọng của Apple

Năm 2007, Apple Computer đã rút từ Computer ra khỏi tên công ty khi hãng ra mắt chiếc iPhone đầu tiên. Thời điểm đó, đồng sáng lập Steve Jobs đã giải thích rằng Apple đã phát triển không chỉ là một công ty máy tính. Sự thay đổi tên này cho thấy việc Apple đã tăng cường tập trung vào các dòng sản phẩm khác, không chỉ máy tính.

Kể từ khi đổi tên và ra mắt dòng sản phẩm điện thoại iPhone, định giá của Apple đã tăng vọt. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 1.200% trong thập kỷ qua, mang đến cho Apple mức định giá hơn 2.400 tỷ USD và iPhone trở thành thiết bị bán chạy nhất của công ty.

Dukin' bỏ Donuts

Năm 2018, Dunkin' Donuts cũng đã công bố một động thái tương tự, đó là loại bỏ từ "Donuts" ra khỏi tên thương hiệu nhằm tái định vị Dukin' thành thương hiệu đồ uống toàn cầu trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các chuỗi đồ uống khác như Starbucks.

Facebook đổi tên: Nhìn lại những vụ thay tên đổi vận của các ông lớn Mỹ - 3

Năm 2018, Dunkin' Donuts cũng đã công bố một động thái tương tự, đó là loại bỏ từ "Donuts" ra khỏi tên thương hiệu (Ảnh: Reuters).

Vào thời điểm đó, Dukin' cho biết, khách hàng đã phản ứng tích cực với cái tên rút gọn. Tuy nhiên, năm ngoái, doanh số bán hàng của công ty đã giảm mạnh do đại dịch. Tháng 10/2020, Dukin' và thương hiệu chị em của nó là Baskin-Robbins đã được Inspire Brands mua lại với giá 11,3 tỷ USD.

KFC rút từ "Fried"

Trước Dukin', Kentucky Fried Chicken cũng đã rút gọn tên thành KFC vào năm 1991. Một mặt là bởi trong nhiều năm qua mọi người vẫn quen gọi thương hiệu này là KFC. Mặt khác ban lãnh đạo KFC cũng thừa nhận họ muốn xây dựng một hình ảnh lành mạnh và "đương đại" hơn cho công ty. Ông Kyle Craig - Chủ tịch của KFC lúc đó đã cho rằng: "Fried không phải là một hình ảnh đương đại".

Sự thay đổi này chắc chắn đã không gây ảnh hưởng gì. Ngày nay, KFC đã trở thành một trong những chuỗi đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới. Doanh thu hàng năm của thương hiệu này đã tăng hơn 26,2 tỷ USD trong năm ngoái, tăng mạnh từ mức khoảng 6 tỷ USD vào năm 1991.

KFC là một thương hiệu của Yum! Brands - công ty sở hữu cả Pizza Hut và Taco Bell.

Philip Morris tan thành khói

Năm 2001, Philip Morris - nhà sản xuất đằng sau thương hiệu thuốc lá mang tính biểu tượng Marlboro, đã đổi tên công ty mẹ thành Altria Group.

Động thái này diễn ra 3 năm sau khi Philip Morris và các công ty thuốc lá lớn khác của Mỹ đạt được thỏa thuận trị giá 200 tỷ USD với chính phủ Mỹ về các chi phí liên quan đến hút thuốc. Các giám đốc điều hành công ty thừa nhận rằng việc đổi tên sang một lĩnh vực trong sạch hơn cho Philip Morris và các công ty con khác như Kraft Foods và Miller Brewing.

Cuối cùng Altria đã tách Miller và Kraft ra thành các giao dịch riêng. Công ty vẫn sở hữu nhà sản xuất Marlboro, nắm cổ phần trong công ty giải khát ABInBev, công ty khởi nghiệp thuốc lá điện tử Juul…

Năm 2008, Altria đã rớt khỏi rổ chỉ số Dow Jones. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 24% trong 5 năm qua khiến mức định giá hiện tại chỉ còn 89 tỷ USD.

Weight Watchers trở thành một từ viết tắt WW

Vào năm 2018, một công ty từng đồng nghĩa với việc giảm cân đã thay đổi hình ảnh của mình để phản ánh sự thay đổi thái độ đối với việc giảm cân và sức khỏe.

Vào giữa những năm 2010, số lượng thành viên của Weight Watchers đã giảm mạnh khi nhiều người muốn ăn uống lành mạnh hơn mà không tập trung đặc biệt vào việc giảm cân. Vì vậy, công ty đã đổi tên thành WW International nhằm trở thành một thương hiệu về phong cách sống và sức khỏe.

Tính đến cuối năm 2020, công ty đã có 4,4 triệu người đăng ký, mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận lại sụt giảm và giá cổ phiếu chỉ còn 18,34 USD/cổ phiếu so với mức hơn 66 USD/cổ phiếu khi việc đổi tên được công bố.

WWF đổi tên vì tòa án

Đôi khi, việc đổi thương hiệu là bắt buộc về mặt pháp lý. Năm 2002, Worldwide Wrestling Foundation phải đổi tên thành World Wrestling Entertainment sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm với nhóm bảo tồn World Wildlife Fund.

Mặc dù thua trong cuộc chiến pháp lý đó nhưng WWE đã có một động thái tích cực với thương hiệu này khi việc đổi tên cho phép công ty nhấn mạnh chữ E trong giải trí.

Kể từ đó, WWE ngày càng phát triển. Bất chấp những thách thức về việc tổ chức các sự kiện trực tiếp trong thời kỳ đại dịch, công ty vẫn đạt doanh thu kỷ lục gần 1 tỷ USD vào năm ngoái nhờ các hợp đồng bản quyền truyền thông béo bở và việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

(Theo CNBC/ Dân Trí)