Lần đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm
Xã hội - Ngày đăng : 15:40, 22/10/2021
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXHnăm 2020. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết ngày 31/3/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Trong năm 2020, tổng số tiền ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019.
Năm 2020, Thanh tra Bộ LĐTB&XH tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật BHXH, BHTN tại 5 cơ quan BHXH cấp tỉnh, 20 cơ quan BHXH cấp huyện và 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Qua thanh tra, ban hành 52 kiến nghị đối với các cơ quan BHXH; 70 kiến nghị đối với các doanh nghiệp… với tổng số tiền là 169,7 triệu đồng, kiến nghị truy đóng vào quỹ BHXH số tiền 221,2 triệu đồng do người sử dụng lao động trích nộp BHXH, BHTN của người lao động không đúng mức theo quy định.
Giai đoạn 2016-2020, cơ quan BHXH đã ban hành 2.103 quyết định xử lý vi phạm hành chính về BHXH với số tiền xử phạt là 114,5 tỷ đồng. Kết quả, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu hồi là 28,8 tỷ đồng; tỉ lệ chấp hành là 25,2%.
Số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết ngày 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Tính đến hết ngày 31/12/2020:
Số người tham gia BHXH là 16.176.180 người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020. Số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 là 622.020 đơn vị, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Số tiền thu BHXH bắt buộc năm 2020 là trên 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019.
Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2020 của người lao động là 5.687.180 đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019.
Tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng (tương ứng 19,9%) so với năm 2019, chiếm 4,4% số phải thu.
Năm 2020, số người tham gia BHTN là 13.337.492 người, giảm 54.401 người (tương ứng với 0,4%) so với năm 2019. Số tiền thu BHTN là 18.693 tỷ đồng, tăng 1.254 tỷ đồng (tương ứng với 7,2%) so với năm 2019. Tổng số tiền chậm đóng BHTN là 399 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019.
Giải pháp bảo toàn, phát triển quỹ BHXH, BHTN
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ BHXH” làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm và các luật có liên quan. Đó là đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế, bảo đảm an toàn, bền vững...
Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 1/1/2021. Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho biết mặc dù số người tham gia BHXH có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019.
Nguyên nhân là số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao.
Nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN gặp nhiều hạn chế. BHTN chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết Chính phủ tiếp tục đề xuất tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật BHXH tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.
Sửa đổi, bổ sung Luật BHXHtheo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng-hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật BHXHvề các hình thức đầu tư phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng.
Trong khi chưa sửa Luật BHXH, cho phép Hội đồng quản lý BHXHđược quyết định đầu tư, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại hoạt động tốt hoặc lành mạnh, ổn định theo danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp hằng năm.
Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.
Hải Liên