NATO nhóm họp sau 'vụ Afghanistan' và xích mích với Nga

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:51, 22/10/2021

Ngày 21/10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận các vấn đề an ninh quan trọng, trong đó có tăng cường khả năng phòng thủ.
NATO nhóm họp củng cố tinh thần sau xích mích với Moscow, tuyên bố mục tiêu cốt lõi là 'răn đe Nga'
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của liên minh quân sự ở Bỉ ngày 21/10. (Nguồn: AP)

Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO kể từ khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan khi liên minh này rút quân.

Phát biểu khi mở đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Chúng ta đang ở trong giai đoạn biến đổi của NATO. Những năm qua, chúng ta đã tăng cường và tái tập trung khả năng phòng thủ tập thể để bảo vệ lãnh thổ riêng của chúng ta".

Các bộ trưởng được cho sẽ đồng ý với những mục tiêu mới để tăng cường khả năng quân sự của mỗi nước và một kế hoạch toàn diện về việc bảo vệ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Theo ông Stoltenberg, chiến lược này nhằm "đảm bảo chúng ta sở hữu những lực lượng thích hợp ở đúng nơi và đúng lúc".

Ngoài ra, ông Stoltenberg nhấn mạnh, các đồng minh vẫn phải đoàn kết bất chấp bất đồng về việc rời khỏi Afghanistan và "chúng ta sẽ phải thận trọng và bảo vệ những thành quả đã đạt được".

Liên quan việc đối phó với Nga, tại Hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO nhất trí về kế hoạch tổng thể mới nhằm phòng thủ trước mọi cuộc tấn công tiềm tàng của Moscow trên nhiều mặt trận.

Chiến lược bí mật nhằm mục đích sẵn sàng trước mọi cuộc tấn công xảy ra cùng lúc tại khu vực Baltic và Biển Đen - bao gồm những cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, xâm nhập mạng máy tính và tấn công từ vũ trụ.

Hội nghị cũng nhất trí về khoản ngân sách trị giá 1 tỷ USD để đầu tư phát triển các công nghệ số hóa mới.

Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cho rằng, hiện khó có thể xảy ra bất cứ cuộc tấn công nào của Nga. Trong khi đó, Moscow bác bỏ mọi cáo buộc về những ý đồ gây hấn và cho rằng, chính NATO tạo ra rủi ro gây bất ổn cho châu Âu với những sự chuẩn bị như vậy.

Tuy nhiên, giới ngoại giao nhận định, “Khái niệm răn đe và phòng thủ trong khu vực châu Âu-Đại Tây Dương” và kế hoạch triển khai khái niệm này là cần thiết trong bối cảnh Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến, cũng như triển khai quân đội và trang thiết bị gần biên giới các đồng minh trong khối NATO.

Đề cập kế hoạch trên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: “Đây là biện pháp răn đe. Kế hoạch này phù hợp với thái độ hiện nay của Nga và chúng tôi đang theo dõi những hành vi xâm phạm, đặc biệt không chỉ trên không phận của các quốc gia Baltic, mà còn là những hoạt động xâm nhập trên không phận Biển Đen”.

Theo một quan chức Mỹ, việc thông qua kế hoạch tổng thể sẽ cho phép xây dựng nhiều kế hoạch chi tiết ở cấp độ khu vực vào cuối năm 2022, qua đó tạo điều kiện để NATO quyết định về các loại vũ khí bổ sung cần thiết và cách thức triển khai các lực lượng của liên minh quân sự này.

Việt Hà