Bắc Kinh nỗ lực cân bằng quan hệ Mỹ-Trung

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:19, 21/10/2021

Đã có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang mong muốn giảm căng thẳng chiến lược trong quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, liệu điều chỉnh này có hiệu quả?

Thời gian qua, quan hệ Mỹ-Trung đã có bước “cài đặt lại” nhẹ nhàng nhưng không kém phần quan trọng dưới thời ông Biden. Quá trình này có sự đóng góp đáng kể từ kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung, thành công của “ngoại giao con tin” sau khi bà Mạnh Vãn Chu và hai doanh nhân người Canada được trả tự do, cùng chiến dịch rút lui vội vàng của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt căng thẳng, với một số thành công bước đầu.

(10.20) Bắc Kinh đang cho thấy một số nỗ lực nhằm giảm căng thẳng chiến lược trong quan hệ Mỹ-Trung - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Bắc Kinh đang cho thấy một số nỗ lực nhằm giảm căng thẳng chiến lược trong quan hệ Mỹ-Trung - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giảm căng thẳng chiến lược

Ngay khi tới Mỹ, tân Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương đã nhấn mạnh: “Cánh cửa cho quan hệ Mỹ-Trung đã mở ra và sẽ không thể đóng lại”. Đáng chú ý, tuyên bố này được đưa ra cuối tháng Bảy, khi triển vọng quan hệ song phương trở nên bi quan chưa từng có trong hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, sau hai tháng rưỡi, cả Mỹ và Trung Quốc đã có một số điều chỉnh nhất định, thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng tích cực hơn. Khó biết liệu sự thay đổi này sẽ kéo dài bao lâu, song ít nhất Trung Quốc đã chủ động nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ chiến lược Mỹ-Trung.

Trong cuộc họp trực tuyến với đại diện đảng Dân chủ và Cộng hòa tháng Chín vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại, “tăng cường hợp tác, hiểu biết lẫn nhau”.

Trước đó ít lâu, ông đã gặp trực tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Zurich, Thụy Sỹ. Sự kiện này được giới chuyên gia đánh giá là nhằm chuẩn bị nội dung thảo luận cho cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm nay.

Ít lâu sau đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng thể hiện thái độ tương tự. Trong cuộc thảo luận với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, ông đã kêu gọi hai bên tiến hành thảo luận thường xuyên hơn để hạ nhiệt căng thẳng, tìm kiếm giải pháp cho xung đột cốt lõi giữa hai bên.

Sự thay đổi này cũng được phản ánh rõ nét trong thái độ của truyền thông nhà nước Trung Quốc. Một trong số đó là bài viết đăng tải ngày 13/9 trên tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) với tựa đề: “Chuyên gia: Ông Tập và ông Biden đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cải thiện quan hệ”.

Tương tự, bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu ngày 5/10 ca ngợi bài phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định Washington đã thừa nhận rằng việc “thay đổi Trung Quốc” dựa trên lợi ích của mình là bất khả thi.

Bài viết truyền tải thông điệp rằng, “Trung Quốc luôn cởi mở với đối thoại và đàm phán, đồng thời sẵn sàng nỗ lực để xây dựng một hệ thống thương mại Mỹ-Trung công bằng, cùng có lợi”.

(10.20) Truyền thông Trung Quốc đánh giá cao phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) về quan hệ thương mại Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: CSIS)
Truyền thông Trung Quốc đánh giá cao phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) về quan hệ thương mại Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: CSIS)

Nắm bắt để hạ nhiệt

Ít nhất, Bắc Kinh đã cho thấy nỗ lực hạ nhiệt quan hệ Mỹ-Trung trong các phát ngôn trên phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước.

Cành olive của Bắc Kinh dù mong manh nhưng vẫn ở đó. Nếu Washington hiểu rõ và biết cách nắm bắt, quan hệ song phương có thể diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn thời gian tới. Vậy đặc điểm quá trình hạ nhiệt của Bắc Kinh là gì?

Đầu tiên, tần suất các tuyên bố, bài báo, động thái chỉ trích Mỹ của giới ngoại giao hay phân tích Trung Quốc giảm đáng kể. Nó củng cố quan điểm cho rằng, Bắc Kinh có thể kiểm soát phát ngôn gay gắt từ giới ngoại giao nước này, tránh hệ lụy không mong muốn như trong thời gian qua.

Ngoài ra, các tuyên bố và thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc những tuần gần đây phản ánh sự thay đổi về cách sử dụng từ ngữ, tập trung nhấn mạnh vào nhiều lĩnh vực Bắc Kinh và Washington có thể đàm phán và nhượng bộ.

Dù vẫn coi “lợi ích cốt lõi quốc gia” là ưu tiên hàng đầu, song nội dung này lại không phải là trọng tâm thảo luận giữa ông Dương Khiết Trì, ông Lưu Hạc, hay thậm chí ông Tập Cận Bình với đồng cấp Mỹ trong các cuộc đối thoại gần đây nhất.

Cuối cùng, Bắc Kinh cho thấy nước này sẵn sàng cân nhắc mọi phương án cần thiết. Dù Trung Quốc kêu gọi làm sâu sắc đối thoại, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ít đề cập tới, song Bắc Kinh lại không đề cập tới nhượng bộ hay cam kết thực chất nào về mặt chính sách.

Đây có thể được coi là lời mời mở rộng đối thoại và thảo luận, cũng như chỉ dấu về thiện chí của Trung Quốc.

"Cánh cửa cho quan hệ Mỹ - Trung đã mở ra và sẽ không đóng lại." - Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương.

Động thái hạ nhiệt của Bắc Kinh cần được cân nhắc trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Joe Biden đang mong muốn giảm thiểu chỉ trích từ phía Trung Quốc sau AUKUS, diễn biến phức tạp tại eo biển Đài Loan, hay đồng thuận lưỡng đảng về nguy cơ ngày một hiện hữu từ cường quốc châu Á.

Washington đã nhiều lần khẳng định sẽ không để các sự kiện trên khơi mào xung đột trên thực địa và ít nhất, tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh vẫn chấp nhận cách tiếp cận “quản lý rủi ro” này.

Xét cho cùng, giảm căng thẳng Mỹ-Trung là cần thiết, đặc biệt tại Eo biển Đài Loan, nơi cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn tỏ ra yếu đuối. Dù dư địa thảo luận vẫn rộng mở, song cả Mỹ và Trung Quốc cần thận trọng trong cải thiện quan hệ, nhất là khi rủi ro còn đó.

Phan Quân