Israel-Saudi Arabia: Chờ ngày chung đôi?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:18, 21/10/2021

Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy với sự trung gian của Mỹ cùng thiện chí sẵn có, Israel-Saudi Arabia nhiều khả năng sẽ thiết lập quan hệ thời gian sớm.

Tín hiệu tích cực đầu tiên về quan hệ Israel-Saudi Arabia đến từ phía Riyadh.

Ngày 27/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thăm siêu thành phố Neom của nước này và gặp gỡ Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman. Đặc biệt, ông Sullivan đề cập câu chuyện bình thường hóa quan hệ Israel.

Thay vì lập tức từ chối, Hoàng Thái tử Mohammed Bin Salman cho rằng, tiến trình này cần thời gian, đồng thời đưa ra một loạt danh sách điều khoản các bên cần thực hiện. Một trong số đó được cho là có liên quan tới cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia.

Saudi Arabia đã nhiều lần thể hiện thiện chí khi ủng hộ các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ký hòa ước với Israel, bật đèn xanh cho Bahrain gia nhập Hiệp ước Abraham, thậm chí thúc đẩy hiệp ước này khi cho phép Israel và các nước vùng Vịnh sử dụng không phận của mình.

(10.20) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Saudi Arabia Faisal Bin Farhan trong họp báo chung ngày 14/10 tại Washington. (Nguồn: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Saudi Arabia Faisal Bin Farhan trong họp báo chung ngày 14/10 tại Washington. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Một trong những rào cản lớn nhất trong thiết lập quan hệ ngoại giao Israel-Saudi Arabia là câu chuyện Palestine. Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal Bin Farhan khẳng định nước này sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nước này công nhận sự hình thành của Nhà nước Palestine, với một kế hoạch hòa bình phù hợp cho cả Israel lẫn Palestine.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Israel chỉ có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE sau khi nước này nhượng bộ lớn trong vấn đề Palestine, cụ thể là hủy bỏ kế hoạch sáp nhập lãnh thổ ở khu bờ Tây.

Trong bối cảnh đó, một bước đi tích cực của Israel trong hóa giải xung đột với Palestine là cần thiết, thúc đẩy Saudi Arabia có bước đi cuối cùng nhằm bình thường hóa quan hệ.

Tín hiệu thứ hai đến từ sự chủ động của Mỹ.

Ngày 13/10, phát biểu trong họp báo ba bên cùng người đồng cấp Saudi Arabia Faisal Bin Farhan và người đồng cấp UAE Abdullah Bin Zayed, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: 'Chúng tôi cam kết thúc đẩy nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm nhằm mở rộng danh sách quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel thời gian tới".

Ngày hôm sau, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng Ngoại trưởng Antony Blinken đã thảo luận với Ngoại trưởng Israel Yair Lapid về mở rộng Thỏa thuận Abraham. Thông báo về nội dung cuộc gặp, quan chức Israel cho biết ít nhất một quốc gia sẽ tham gia thỏa thuận vào năm tới.

Ngày 15/10, quan chức cấp cao của Nhà Trắng khẳng định Mỹ đang “âm thầm” liên lạc với một vài quốc gia Arab và Hồi giáo có khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel thời gian tới.

Ngày 16/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết một điều kiện để Saudi Arabia chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Israel là Mỹ có lập trường cứng rắn hơn trong đối đầu với Iran.

Tín hiệu cuối cùng đến từ người dân Israel.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia được nhiều người dân Israel ủng hộ. Cụ thể, khảo sát cuối tháng Chín về Chính sách Đối ngoại Israel do Viện Mitvim (Israel) thực hiện cho thấy hầu hết người dân nước này tin rằng Saudi Arabia sẽ là thành tựu quan trọng nhất trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và thế giới Arab.

Khi đó, kết quả sẽ phụ thuộc vào nỗ lực, thiện chí của Israel, Saudi Arabia và Mỹ nhằm vượt bất đồng, thúc đẩy bình thường hóa, từ đó thiết lập quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và quốc gia Arab.

Lưu Huỳnh