Nhiều phụ huynh quên tiêm chủng cho trẻ sau dịch

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:59, 19/10/2021

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cộng với tâm lý e ngại dịch bệnh khiến nhiều trẻ bị trì hoãn lịch tiêm chủng, trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm về sau.
244918092_4629885113717869_5633972551452731497_n.jpeg
Các bậc phụ huynh nên chú ý đưa trẻ đi tiêm chủng đúng thời gian để bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm - Ảnh: HCDC

Hiện nhiều bệnh viện, trạm y tế ở TP.HCM đang triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của trẻ.

Nhiều nơi đã tiêm chủng cho trẻ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng trẻ em trên thế giới để phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi và bại liệt đã chững lại, chỉ đạt khoảng 86%. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 95% được WHO khuyến nghị. Trong tháng 7 vừa qua, toàn cầu có gần 23 triệu trẻ em bị bỏ lỡ các mũi tiêm chủng cơ bản thông qua các dịch vụ tiêm chủng thông thường.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tổ chức tiêm chủng cho các cháu vào các buổi sáng trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7. Bệnh viện này cũng khuyến cáo phụ huynh cố gắng tuân thủ tiêm phòng, theo dõi tình trạng các mặt bệnh trẻ và đưa trẻ đến khám bệnh kịp thời trong tình hình mới.

Từ ngày 11-10, trạm y tế phường Tăng Phú Nhơn A (TP.Thủ Đức) cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ và đảm bảo an toàn khi tiêm chủng trong mùa dịch. Lịch tiêm được dán thông báo trên trạm nhằm giúp trẻ có thể đảm bảo tiêm đúng thời gian.

Chị H.Đ. (29 tuổi, TP.HCM), cho biết nhiều tháng trở lại đây ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến chị không thể đưa con đi tiêm chủng đầy đủ vì tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.

"Khi vừa hết giãn cách tôi đã đăng ký hỏi tiêm vắc-xin vì sợ sau khi bình thường mới con quay trở lại cuộc sống bình thường, vui chơi, giải trí học tập sẽ dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm " - chị Đ. lo lắng.

Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, cho biết thời gian qua, chỉ vắc-xin ngừa lao và viêm gan B vẫn được thực hiện cho trẻ. Vì vắc-xin này trẻ được tiêm trong bệnh viện sau sinh 1-2 ngày. Tuy nhiên, một số vắc-xin khác nằm trong hoạt động tiêm chủng mở rộng.

HCDC cho biết đây cũng là thời điểm tiêm ngừa tốt nhất cho trẻ khi cả nước đã vượt qua cao điểm của dịch COVID-19. Các bậc phụ huynh theo dõi, nắm bắt thông tin từ địa phương để đưa trẻ đi tiêm chủng.

Trao đổi thêm về vấn đề một chuyên gia truyền nhiễm tại TP.HCM cho biết số liệu mới nhất của WHO và UNICEF, cho thấy có 23 triệu trẻ trên thế giới chưa được tiêm các mũi vắc xin cơ bản trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch.

Đây là mức cao nhất từ năm 2009 đến nay, và cao hơn 3,7 triệu trẻ được tiêm các mũi vắc xin cơ bản vào năm 2019. Trẻ em Việt Nam cũng gặp vấn đề tương tự.

"Những trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm các mũi vắc xin cơ bản như: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi... thì nên đi tiêm càng sớm càng tốt trong điều kiện có thể. Còn đối với trẻ lớn hơn, chưa được tiêm mũi vắc xin nhắc lại cũng nên tranh thủ đi tiêm.

Các phụ huynh học sinh nên tháo bỏ vấn đề e ngại tâm lý dịch bệnh, tại các điểm tiêm chủng sẽ có nhân viên y tế hướng dẫn tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế", chuyên gia này nói.

Chuyên gia khyến cáo thêm khi giãn cách xã hội trẻ không tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ giảm.

Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại trẻ sẽ vui chơi, học tập và tiếp xúc nhiều mầm bệnh, do vậy trẻ sẽ dễ mắc phải các bệnh có thể phòng ngừa được bằng các loại vắc xin.

ANH ĐÀO