Doanh nghiệp, khu công nghiệp nỗ lực nối lại sản xuất

Kinh doanh - Ngày đăng : 16:00, 15/10/2021

Các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn đang nỗ lực để khôi phục lại sản xuất, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Khu công nghiệp phục hồi hoạt động

Sau khi các tỉnh thành công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp, khu công nghiệp đang nỗ lực nối lại sản xuất. Ảnh: BCT

Sở Công Thương Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm nhằm đẩy nhanh hoạt động tái sản xuất. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại.

Tại Đồng Nai, tính đến ngày 11/10/2021, có tổng cộng 3.898 doanh nghiệp thực hiện cập nhật vào website http://kcnvietnam.vn để tạo tài khoản và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp. Theo đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, trên địa bàn tỉnh có 3.180 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 669 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 49 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ trung bình. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khôi phục sản xuất theo các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể tính đến sáng ngày 11/10/2021, trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai, tổng số doanh nghiệp còn lại đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 1.176 doanh nghiệp, với tổng số lao động lưu trú là 154.699 người; có 139 doanh nghiệp thực hiện phương án cho người lao động đi về hàng ngày với tổng số lao động đăng ký là 41.762 người.

Tại Hà Nội, sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng, các doanh nghiệp cũng đang tăng tốc sản xuất để đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất. Ở 9 khu công nghiệp tại Hà Nội, lượng doanh nghiệp hoạt động lại bình thường đã đạt trên 95%. 661 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo COVID-19 tại doanh nghiệp với 3.600 tổ COVID-19 an toàn. Việc phủ sóng vaccine mũi 1 đạt 97%; mũi 2 đạt 48% số đã tiêm mũi 1.

Giãn cách xã hội kéo dài đã làm thị trường lao động trầm lắng hơn và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động đã “giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây”. Doanh nghiệp đang vận hành trở lại chuỗi sản xuất trong bối cảnh vô cùng khó khăn.

Tổng cục Thống kê

Samsung: cần nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng

Bộ Công Thương cũng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của Samsung Việt Nam tại TP.HCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và xử lý các kiến nghị của Samsung và các nhà cung ứng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng trong thời gian sắp tới.

Samsung Việt Nam và các nhà cung ứng tại Việt Nam đã có kiến nghị về một số khó khăn tiêu biểu mà đa số các doanh nghiệp đang phải đối mặt do đại dịch COVID-19 như việc hoạt động dưới công suất, thậm chí có doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thiếu nhân lực, di chuyển khó khăn giữa các khu vực, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch... Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu giãn cách vẫn tiếp tục kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, quy định, kiểm soát lưu thông hàng hoá chưa phù hợp và thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; một số quy định về phòng, chống dịch thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với tình trạng “bình thường mới”, khi mà cách tiếp cận về phòng, chống dịch đã thay đổi, và ngày càng có nhiều người tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã điều trị khỏi COVID-19.

Bộ Công Thương cho biết sẽ giải đáp, xử lý các kiến nghị của Samsung và các nhà cung cấp liên quan tới việc giảm giá điện, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu tại các cảng biển lớn, cập nhật các quy định mới của Chính phủ.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp đã để lại hậu quả nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế. Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Việc gián đoạn quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu do đó sẽ làm tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Bộ Công Thương

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)