'Bỏ túi' hàng trăm triệu đồng từ vườn cau xứ Thanh Chương, Nghệ An

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:04, 15/10/2021

Nghề trồng cau lấy quả không chỉ đem lại nguồn thu ổn định cho người dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) mà hàng năm còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhiều năm qua được biết đến là một trong những địa phương phát triển nghề trồng cau bán quả. Năm nay giá cau trên thị trường tăng cao, người dân dễ dàng "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng.

Vườn cau gia đình ông Nguyễn Bá Giáp (SN 1954, ở thôn Nho Phong, xã Thanh Nho, Thanh Chương) hiện có 300 cây hàng chục năm tuổi.

Theo ông Giáp, đây là giống cau Liên Phòng với ưu điểm chịu gió bão tốt, cây khỏe, ít sâu bệnh và buồng nhiều quả được bố ông đưa về từ Huế vào những năm 60 của thế kỷ trước. Hàng năm, bên cạnh số cau cũ, ông còn trồng mới hàng trăm gốc với hy vọng tăng thêm thu nhập.

'Bỏ túi' hàng trăm triệu đồng từ vườn cau xứ Thanh Chương, Nghệ An
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cau mang lại, những năm gần đây, nhiều người dân xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương đã tìm mua giống cau về trồng trong vườn hoặc theo các triền núi (Ảnh: Phạm Thông).

Theo ông Giáp, vườn cau gia đình cho thu hoạch quanh năm, ngoài việc bán cau theo vụ chính thì ông còn bán cau vào dịp Tết, Rằm…

"Đầu tháng 10 vừa qua, tôi bán 2 tạ cau với giá khoảng 75.000 đồng/kg gia đình đã bỏ túi 15 triệu đồng. Giá cau đang tăng nên tôi chờ thêm một thời gian nữa mới bán để kiếm thêm tiền lời", ông Giáp cho biết thêm.

Ngoài việc bán cau quả, ông Giáp còn ươm cau giống để bán cho bà con trong vùng và các huyện lân cận. Hiện nay, cau giống có giá 35.000-50.000 đồng/cây tùy vào độ lớn của cây.

Trung bình mỗi năm ông bán trên 1.000 cây cau giống, như thời điểm hiện tại gia đình đã ươm khoảng 600 cây nhưng vẫn "cháy hàng" do nhu cầu người mua tăng vọt. Tính cả tiền bán cau quả và cau giống, mỗi năm gia đình ông Giáp thu nhập từ 80-100 triệu đồng.

'Bỏ túi' hàng trăm triệu đồng từ vườn cau xứ Thanh Chương, Nghệ An
Theo người dân, hiện nay chủ yếu trồng giống cau Liên Phòng vì có ưu điểm chịu gió bão tốt, cây khỏe, ít sâu bệnh, sai quả. Mỗi buồng cau trung bình nặng 4-6 kg, với giá bán ra từ 300- 450.000 đồng/buồng (Ảnh: Nguyễn Tú).

Tương tự như ông Giáp, gia đình ông Bùi Văn Sơn (63 tuổi) cũng trồng khoảng 600 cây cau các loại. Theo ông Sơn chia sẻ, việc  trồng cau khá đơn giản, không tốn kém về công chăm bón mà tiết kiệm được đất đai. Bên cạnh đó, do không phải dùng hóa chất bảo vệ thực vật nên rất có lợi cho môi trường.

"Năm nay gia đình tôi thu về khoảng 30-40 triệu đồng nhờ việc bán cau quả cho các thương lái. Hiện nay tôi đang nhân giống cây con bán cho người dân có nhu cầu để tăng thêm thu nhập", ông Sơn nói.

'Bỏ túi' hàng trăm triệu đồng từ vườn cau xứ Thanh Chương, Nghệ An
Mỗi năm gia đình ông Giáp thu nhập từ 80-100 triệu đồng nhờ việc bán cau quả và cau giống (Ảnh: Phạm Thông).

Theo ông Trần Văn Định, Thôn trưởng thôn Nho Phong, xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, hiện nay cả thôn có 248 hộ, trong đó 80% hộ dân trồng cau, nhà ít nhất cũng có 20 - 30 cây, nhà nhiều thì hàng trăm cây.

Phong trào trồng cau ở thôn Nho Phong đã có từ lâu và hoàn toàn tự phát. Những năm qua, khi giá cau tăng cao, nhiều hộ dân ở đây đã mở rộng diện tích canh tác nhằm tăng thu nhập.

Được biết, trong thời gian qua trên địa bàn huyện Thanh Chương không chỉ có xã Thanh Nho trồng cau lấy quả nhiều mà bên cạnh đó tại các xã như: Thanh Mỹ, Thanh Hòa, Phong Thịnh… người dân cũng trồng cau rất nhiều và bước đầu đã cho nguồn thu nhập khá.

'Bỏ túi' hàng trăm triệu đồng từ vườn cau xứ Thanh Chương, Nghệ An
Nghề trồng cau không chỉ đem lại nguồn thu ổn định cho người dân mà hàng năm còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương (Ảnh: Nguyễn Tú).

Theo ông Trần Đình Truyền, Chủ tịch UBND xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, trên địa bàn người dân phát triển kinh tế chủ yếu dựa Nông - Lâm nghiệp. Trong nhiều năm qua, việc người dân mạnh dạn phát triển cây cau để tăng thêm thu nhập là một hướng đi mới. Phía chính quyền luôn động viên, khuyến khích người dân phát triển hơn nữa trong việc trồng loại cây này.

"Hiện nay, cau tươi có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, tuy nhiên vẫn luôn trong tình trạng "'cháy hàng". Nghề trồng cau không chỉ đem lại nguồn thu ổn định cho người dân mà hàng năm còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương", ông Truyền cho biết.

(Theo Dân Trí)