Quan hệ Đức-Nga dưới thời ông Scholz sẽ đi về đâu?

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:45, 15/10/2021

Không có nhiều lý do để kỳ vọng thay đổi trong quan hệ Đức-Nga dưới thời ông Olaf Scholz và đảng Dân chủ xã hội (SPD).

Ngày 12/10, trang ridl.io đã đăng tải bài viết của ông Dmitri Stratievski, Giám đốc Trung tâm Berlin về Đông Âu học (Đức) về quan hệ Đức-Nga và lập trường, chính sách của Berlin với Moscow dưới thời ông Olaf Scholz cùng đảng SPD.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức, chính phủ mới nhiều khả năng sẽ gồm liên minh giữa SPD, Đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP). Khi đó, Chủ tịch SPD, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz được cho là sẽ đảm nhiệm vị trí Thủ tướng.

Vậy quan điểm của nhà lãnh đạo này và SPD về Nga ra sao? Thực trạng quan hệ Đức-Nga giai đoạn tới sẽ diễn biến thế nào?

(10.14) Ông Olaf Scholz (giữa) nhận hoa từ các thành viên trong đảng SPD chúc mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức vừa qua. (Nguồn: AP)
Ông Olaf Scholz (giữa) nhận hoa chúc mừng từ các thành viên trong đảng SPD sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức vừa qua. (Nguồn: AP)

Nga - quan tâm thứ yếu?

Trước hết, ông Olaf Scholz là chính trị gia kỳ cựu với hơn 2 thập niên kinh nghiệm, song chủ yếu là về quản trị và đối nội. Vị trí có liên quan tới các mối quan hệ đối ngoại gần nhất mà ông đảm nhiệm là từ cuối những năm 1980 khi ông vừa là Phó Chủ tịch Jungsozialisten (Juso) – tổ chức thanh thiếu niên của SPD, vừa là Phó Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Xã hội quốc tế. Ông cũng thường xuyên thay bà Merkel thực hiện các chuyến công du nước ngoài.

Tuy nhiên, với ông Scholz, các ưu tiên chính sách đối ngoại hay mối quan hệ với Đông Âu là quan tâm thứ yếu. Ông cũng chưa từng tỏ thái độ đặc biệt về Nga.

Nhưng giờ đây, khi chuẩn bị nắm quyền Thủ tướng, ông khó tránh khỏi việc phải bình luận về các hành động của Điện Kremlin, đặc biệt là trong mùa bầu cử. Các phát biểu trong chiến dịch tranh cử vừa qua cho thấy ông dường như chưa sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nga, tương tự cách mà nhà lãnh đạo nổi tiếng của SPD Gerhard Schroeder từng làm.

Trả lời phỏng vấn tờ Deutsche Welle, ông Scholz kêu gọi Nga “trở lại tuân thủ luật pháp, và ý chí thôi là chưa đủ”, nhấn mạnh “chúng ta cần một chính sách mới về phía Đông”. Ông Scholz vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ một châu Âu thống nhất và ủng hộ trao quyền đại diện chính sách đối ngoại đáng kể cho Brussels.

Với ông Scholz, các ưu tiên chính sách đối ngoại hay mối quan hệ với Đông Âu là quan tâm thứ yếu. Ông cũng chưa từng tỏ thái độ đặc biệt về Nga.

Tháng 9/2020, tuần báo Die Zeit cho biết Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đã đề xuất với người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin về thỏa thuận xây dựng hai trạm cuối tiếp nhận khí hóa lỏng LNG của Mỹ, đổi lấy việc Washington chấp nhận dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo tuần báo này, Đức khẳng định có thể đầu tư 1 tỷ USD cho mỗi dự án. Thông tin chưa được xác nhận này khiến ông Scholz từng hứng chịu nhiều chi trích trong chiến dịch tranh cử của mình.

Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, ngay cả khi thông tin của Die Zeit là chính xác, đề xuất này chắc chắn không phải của riêng ông Scholz. Trước hết, một bộ trưởng chắc chắn không thể đề xuất khoản tiền đầu tư lớn cho một dự án hậu cần phức tạp nếu chưa có sự đồng thuận của chính phủ và nghị viện.

Thêm vào đó, những vấn đề cấp cao này thường không chỉ được thảo luận ở nội các, phải còn tại hội đồng liên minh. Như vậy, về bản chất, đề xuất này đã được Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đồng thuận và ông Scholz chỉ đơn giản là người truyền tải thông điệp.

Chưa rõ SPD sẽ lựa chọn vị trí chủ chốt nào trong xử lý quan hệ với Nga. Tuy nhiên, việc chính trị gia Đức thay đổi lĩnh vực công tác là không mới. Ông Heiko Maas từng lãnh đạo Bộ Tư pháp trước khi làm Ngoại trưởng. Các ông Nils Schmid và Dirk Wiese, hai quan chức hàng đầu tại Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, từng công tác trong lĩnh vực tài chính và kinh tế.

Vì thế, không loại trừ khả năng người tiếp theo phụ trách chính sách đối ngoại không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

(10.14) Ông Heiko Maas từng có thời gian làm Bộ trưởng Tư pháp trước khi làm Ngoại trưởng. (Nguồn: Reuters)
Ông Heiko Maas từng có thời gian làm Bộ trưởng Tư pháp trước khi làm Ngoại trưởng. (Nguồn: Reuters)

Quyết định tập thể

Nếu đàm phán thành công, theo thông lệ chính trường Đức, Đảng Xanh có thể nắm ghế ngoại trưởng, vị trí được dành cho đảng nhỏ hơn trong liên minh. Mặt khác, Đảng Xanh giành nhiều hơn FDP 3% số phiếu bầu, vì vậy họ có nhiều đặc quyền hơn trong việc lựa chọn các vị trí nội các.

Truyền thông Nga thường lo ngại về xu hướng xoay trục “Xanh” trong chính sách đối ngoại của Đức, dẫn đến lập trường cứng rắn hơn với Nga. Trong Quốc hội Đức, Đảng Xanh luôn đơn độc phản đối việc triển khai xây dựng và vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Liệu một Ngoại trưởng Đức từ Đảng Xanh có thể ảnh hưởng đáng kể đến chính sách với Nga hay không?

Câu trả lời là “một mức độ nhất định”. Hệ thống chính trị Đức có nhiều ràng buộc và đối trọng để ngăn tiến trình hoạch định chính sách bị một thể chế nào đó thâu tóm triệt để.

Chính sách đối ngoại không là ngoại lệ. Quốc hội Đức, nhất là Ủy ban Đối ngoại, mới là cơ quan có tiếng nói lớn nhất trong vấn đề này. Mọi quyết định chiến lược đều phải đưa ra thảo luận ở nghị viện, nơi thường dùng quyền hạn để xét duyệt sáng kiến của chính phủ.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các chính trị gia tự do của đảng FDP sẽ có được ảnh hưởng nhất định trong các vấn đề chính sách đối ngoại. Lập trường của họ đối với Nga và Điện Kremlin thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh chính trị.

Trong cương lĩnh tranh cử năm 2021 vừa qua, FDP ủng hộ duy trì cơ chế trừng phạt Nga và lên tiếng chỉ trích Moscow ủng hộ giới lãnh đạo độc tài và phát tán tin giả, tấn công mạng tại châu Âu. Tuy nhiên, đảng này cũng lưu ý rằng Nga “vẫn có mối liên kết chặt chẽ với Đức và châu Âu trên bình diện con người, văn hóa và kinh tế”.

Như vậy, các đảng liên minh đóng vai trò quan trọng trong định hình chính sách đối ngoại Đức.

Hệ thống chính trị của Đức có nhiều ràng buộc và đối trọng để ngăn tiến trình hoạch định chính sách bị một thể chế nào đó thâu tóm triệt để.

Lộ trình tương lai

Ông Scholz, với tư cách là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng, nhiều khả năng sẽ đại diện cho cánh châu Âu-Đại Tây Dương ổn định trong SPD. Ưu tiên trước hết của ông sẽ là đối nội. Các chính sách đối ngoại sẽ tập trung củng cố thể chế và chống lại phong trào “gây chia rẽ” trong Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng sẽ cố gắng tối đa hóa lợi ích của Đức và EU trong hợp tác với Mỹ.

Đồng thời, ông Scholz tỏ ra rất nghiêm túc về củng cố liên minh Bắc Đại Tây Dương. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay trước bầu cử, ông lại tuyên bố sẽ chỉ thành lập chính phủ với đảng Cánh tả nếu họ ủng hộ thúc đẩy quan hệ giữa Đức và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoài ra, chính sách hướng Đông (Ostpolitik) sẽ không phải là ưu tiên của Đức.

Điều này không phải chỉ vì mối quan tâm cá nhân của ông Scholz. Nhà lãnh đạo này hiểu rằng trong một liên minh khả thi, quan điểm về Nga sẽ mâu thuẫn gay gắt.

Khi đó, ông Scholz có thể ưu tiên tìm đồng thuận nhằm thành lập chính phủ để giải quyết các hồ sơ được SPD nói riêng và xã hội Đức nói chung quan tâm hơn như chính sách môi trường, nền kinh tế xanh, tăng lương tối thiểu, cải cách thuế và chăm sóc sức khỏe.

Khó khăn trong phân bổ các vị trí nội các cũng là một yếu tố cần nhắc tới.

Đảng Xanh và FDP đang cùng nhắm tới một số bộ ngành. Trong khi đó, ông Scholz sẽ có xu hướng xếp những vấn đề “thứ yếu” ra sau để tránh gây trắc trở cho chính phủ mới. Mối quan hệ Đức-Nga có thể trở thành quân bài mặc cả tạo ra mớ bòng bong chính trị.

Vì vậy, nội các Đức có thể duy trì mối quan hệ nửa lạnh nhạt hiện nay, tiếp tục hành trình của bà Merkel, cân bằng “chủ nghĩa cấp tiến” của Đảng Xanh với tín hiệu hòa giải từ cấp thủ tướng và nghị viện. Từ góc độ của mình, Berlin không có lý do để vội vã. Thay đổi thực sự chỉ diễn ra nếu xung đột với Nga bắt đầu sôi sục hoặc nảy sinh va chạm mới.

Xét cho cùng, những người hy vọng SPD cải thiện quan hệ với Nga hay cho rằng ảnh hưởng của Đảng Xanh khiến lập trường của Đức cứng rắn hơn đều sẽ phải thất vọng.

Kế Thông