Giá xuất khẩu tăng làm "ấm" thị trường lúa gạo miền Tây

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:05, 15/10/2021

Giá lúa ở ĐBSCL được dự báo có khả năng còn tăng trong thời gian tới, do nhu cầu thu mua dự trữ của các doanh nghiệp để thực hiện đơn hàng.

Do các địa phương nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp bắt đầu thu mua dự trữ để thực hiện các đơn hàng cho đối tác theo thỏa thuận nên gần đây, giá lúa Thu Đông ở ĐBSCL đang nhích lên từng ngày. Giá lúa tăng khiến cho nông dân trong vùng phấn khởi nhưng cũng khiến cho không ít bà con giảm nguồn thu nhập do trước đó đã thu hoạch hoặc đã nhận cọc bán cho thương lái với giá thấp.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV, tỉnh Vĩnh Long cho biết, giá gạo Việt Nam tăng từ 10 -15 USD/tấn thời gian qua. Hiện gạo OM 5451 đang được bán cho các đối tác dao động khoảng 480 - 490 USD/tấn, còn gạo thơm đang được bán với giá 510 - 515 USD/tấn, với giá bán này gạo Việt Nam đang bằng với gạo Thái Lan và cao hơn cùng loại gạo của Ấn Độ khoảng 20 USD/tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, sở dĩ giá lúa tăng là do các doanh nghiệp đang tích cực thu mua để đảm bảo cho người dân có lợi nhuận, vì vậy giá lúa có tăng trong thời gian qua. Ngoài ra, các doanh nghiệp lúa gạo cũng đang đẩy mạnh thu mua để trả đơn hàng cho các đối tác và chuẩn bị phục vụ thị trường cuối năm cũng như nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường.

“Việc giá lúa tăng do những đơn hàng trong thời gian giãn cách chưa thực hiện được thì nay bắt đầu được xúc tiến mua vào để hoàn tất hợp đồng. Cùng với đó, hiện nay đã xuất hiện nhiều hợp đồng mới, trong đó có những hợp đồng để cuối năm xuất khẩu, nên vụ Thu Đông này là thời điểm cuối cùng để các doanh nghiệp tranh thủ mua vào khiến giá lúa nguyên liệu trong nước tăng lên”, ông Thành phân tích.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch vụ lúa Thu Đông. Lúa sau khi thu hoạch được người dân bán cho thương lái tại ruộng với giá từ 4.500 - 5.800 đồng/kg, tuỳ theo giống lúa. Giá lúa tăng từ 100-300 đồng/kg cùng với việc nhiều địa phương nới lỏng giãn cách nên việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn; đặc biệt là giúp cho công tác thu hoạch và thu mua lúa của bà con tại các cánh đồng lúa Thu Đông đang vào vụ cắt được dễ dàng và nhanh chóng. Hiện nông dân rất phấn khởi thu hoạch lúa đến đâu đều có thương lái cân hết đến đó, không có trường hợp lúa bị dồn ứ trong dân.

Tại tỉnh Kiên Giang, nông dân đã thu hoạch được gần 32.000 trên tổng số hơn 90.000 ha lúa Thu Đông. Hiện tại ở địa phương này giá lúa tươi giống thường được thu mua từ 4.500 – 4.800 đồng/kg, lúa tươi giống chất lượng cao từ 5.600 – 6.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ở huyện Tân Hiệp cho biết, trong tình hình dịch bệnh nhưng giá lúa vụ này như vậy cũng chấp nhận được, bà con nông dân thấy yên tâm.

“Năng suất lúa vụ này đạt khoảng 800kg/công cùng với giá lúa như thời điểm này với giống 5451 giá 5.800 đồng/kg, giống OM18 là 6.000 đồng/kg giúp nông dân có thu nhập. Năm nay dù dịch bệnh kéo dài nhưng giá lúa có tăng hơn thời điểm năm trước chỉ ở mức 6.500 đồng/kg. Tuy nhiên năm nay giá vật tư lại tăng cao cùng với một vài chi phí khác tăng theo khiến nông dân thu lời ít hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Thời điểm này, phần lớn nông dân trong vùng ĐBSCL phấn khởi khi bán được lúa có giá cao, tuy nhiên cũng có nhiều nông dân trước đó đã thu hoạch lúa bán hoặc đã nhận tiền cọc từ thương lái nên giờ giá lúa tăng đành phải chịu mất một phần thu nhập.

Tại tỉnh Hậu Giang vụ lúa Thu Đông năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được hơn 35.000ha, tuy nhiên trước khi giá lúa tăng nông dân đã thu hoạch khoảng 10.000ha và cũng có không ít diện tích được nông dân nhận tiền cọc bán trước cho thương lái

Ông Thiều Văn Hải ở ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cho biết, ông canh tác hơn 6ha lúa Thu Đông, khi lúa vừa trổ cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Do lo sợ khi thu hoạch lúa khó tiêu thụ nên ông đã nhận tiền cọc bán trước cho thương lái. Giờ bắt đầu thu hoạch, giá lúa lại tăng nên tính ra ông mất vài trăm đồng/kg lúa.

“Trước đây khi nhận cọc của thương lái giá lúa 5451chỉ có 5.000- 5.200 đồng/kg nhưng giờ thị trường đang là 5.600-5.800 đồng/kg, tăng 300-400 đồng/kg. Phải chi giá lúa tăng sớm thì đỡ cho bà con nông dân, giờ giá tăng nhưng lúa đã bán trước hết rồi khiến bà con rất thiệt thòi, mất đi một khoản thu nhập”, ông Hải giãi bày.

Giá lúa ở ĐBSCL được dự báo có khả năng còn tăng trong thời gian tới, do nhu cầu thu mua dự trữ của các doanh nghiệp để thực hiện đơn hàng từ nay đến cuối năm, nhất là các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đối tác trong thời gian giãn cách để phòng, chống dịch, nay đang tiếp tục thu mua để trả nợ các đơn hàng cho các đối tác. Với giá lúa như hiện nay, nông dân vùng ĐBSCL có thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng/ha./.