Vui được ra đường chạy xe, lo còng lưng gom tiền trả nợ ngân hàng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 00:13, 15/10/2021

Cẩn thận lau ghế xe ô tô bằng cồn, anh Đỗ Tuấn Linh (một lái xe công nghệ tại Hà Nội) mừng rỡ khi được hoạt động trở lại. Điều anh quan tâm lớn nhất là có nguồn thu để trả nợ ngân hàng.

Theo Công văn số 4601 ngày 13/10 của Sở GTVT Hà Nội, Grab Việt Nam công bố mở lại GrabCar tại Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, đồng thời tạo thêm cơ hội thu nhập cho các đối tác tài xế trong bối cảnh TP. Hà Nội đang bước vào giai đoạn thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.

Toàn bộ đối tác tài xế tham gia dịch vụ GrabCar tại Hà Nội đều đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 theo quy địnhg. Ngoài ra, lái xe cũng phải tuân thủ nguyên tắc 5K và xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc kháng nguyên nhanh) 7 ngày một lần. Trên xe có trang bị dung dịch rửa tay (ít nhất 70% nồng độ cồn) cho hành khách.

Theo quy định của cơ quan chức năng, hành khách khi di chuyển trên xe GrabCar cần phải tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế. Người dùng cũng được khuyến khích thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý.

Vui được ra đường chạy xe, lo còng lưng gom tiền trả nợ ngân hàng
Lái xe công nghệ chuẩn bị đón khách

Lái xe công nghệ được 5 năm, anh Linh cho hay, từ khi Hà Nội chống dịch, xe công nghệ phải dừng hoạt động ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu nhập của gia đình. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất với các lái xe. Tuy nhiên, may mắn là nhờ có thời gian bám trụ với nghề, đã trả xong vốn vay ngân hàng mua xe cách đây 2 năm nên áp lực tài chính với anh Linh đã phần nào giảm bớt.

Khi hoạt động trở lại, dù khách đi xe còn e dè, nhưng anh Linh cũng cảm thấy vui. “Mình biết là khách vẫn còn lo sợ dịch bệnh, lại tiết kiệm chi tiêu nên lượng người đi xe công nghệ sẽ giảm. Nhưng có vẫn còn hơn không. Được ra ngoài đi lại, làm việc là niềm hạnh phúc rồi”, anh nói.

Theo anh Linh, đây cũng là thời điểm đào thải của nghề lái xe, những ai làm việc không chuyên nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường. Anh Linh lạc quan, khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân đi làm và khách du lịch quốc tế quay trở lại, ngành dịch vụ lái xe sẽ đắt khách.

Hiện, anh Linh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Trên xe, anh trạng bị thêm cồn rửa tay, khẩu trang. Anh luôn khuyến khích khách hàng thanh toán trên ứng dụng hoặc chuyển khoản.

Ông Trần Văn Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bày tỏ vui mừng khi xe xe công nghệ được hoạt động trở lại. “Hơn 2 tháng nay nằm nhà tôi không có thu nhập, xe thì để không vẫn tốn tiền gửi, mong tới ngày này lắm rồi”, ông chia sẻ.

Mua xe ô tô làm đối tác lái xe công nghệ từ đầu 2019, sang năm 2020, dịch xảy ra, khách giảm mạnh, có nhiều đợt ông Nam phải dừng hoạt động nên nguồn thu nhập bấp bênh. Ông từng nghĩ đến việc bỏ nghề. “Nếu giờ bán xe thì cũng không biết làm gì, dịch bệnh xin việc cũng khó lắm. Tôi có liên hệ với ngân hàng nhưng không được kéo giãn, lùi thời gian hay giảm lãi suất. Nếu dịch kéo dài, tôi không biết phải làm sao nữa”, ông lo lắng.

Trên diễn đàn của các tài xế công nghệ như Grab, Be, các thành viên đều háo hức vì được hoạt động trở lại. Số lượng bác tài còn bám trụ lại với nghề không nhiều. Qua các đợt dịch, nhiều người phải bán xe vì áp lực trả nợ ngân hàng. Thậm chí, họ phải bán lỗ, thâm vốn hoặc phải chịu phạt do chậm đóng,... kèm theo nhiều rủi ro khác về tài chính.

Vui được ra đường chạy xe, lo còng lưng gom tiền trả nợ ngân hàng
Dịch vụ giao đồ ăn được hoạt động không hạn chế thời gian

Giá cao, ít xe

Khảo sát sáng 14/10 cho thấy, các dịch vụ lái xe công nghệ đã hoạt động trở lại. Ngoài vận chuyển hành khách, Grab còn có các dịch vụ khác như đi chợ hộ, chuyển hàng hoá, giao đồ ăn. Việc các shipper có thể hoạt động trở lại tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập. Đây cũng là cơ hội để các đối tác cửa hàng của Grab có thêm đơn hàng, doanh thu trong đại dịch.

Be cũng chính thức mang dịch vụ beCar và beTaxi trở lại Hà Nội. Nhằm hỗ trợ tài xế đảm bảo thu nhập sau dịch, động viên các bác tài sẵn sàng phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, Be tung ra chương trình thưởng hấp dẫn.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, lái xe Be chỉ cần hoàn thành từ 5 chuyến xe là đã đạt được mốc thưởng đầu tiên của chương trình “Lái nhiều thưởng cao”. Đặc biệt, tài xế tiếp tục được hưởng song song chương trình “Tài xế Be thân thiết” với mức thưởng lên đến 7% cước phí chuyến xe. Trước đó, ngày 12/10, Be cũng mở lại dịch vụ BeCar tại TP.HCM.

Theo phản ánh của người dùng, mức giá vận chuyển của các hãng xe công nghệ khá cao. Chị Mai Thị Trúc (Mỹ Đình, Hà Nội), cho hay: “Mình rất mừng khi xe công nghệ hoạt động trở lại. Mấy tháng nay, mình đi làm đều phải nhờ người nhà đưa đi, rất bất tiện. Tuy nhiên, mức giá đang khá cao”.

Chị ví dụ, đoạn đường từ nhà chị tới công ty ở Cầu Giấy giá trung bình khoảng 60.000 đồng/chuyến thì thời điểm chị đặt tăng lên gần 100.000 đồng. Chưa kể, số lượng xe không nhiều, chị phải chờ đợi khá lâu.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hải (Hoàng Mai, Hà Nội), nhận xét: “Cước vận chuyển bằng ô tô từ nhà tới công ty tôi trước dịch khoảng 60.000 đồng, nay tăng lên 90.000-110.000 đồng nếu không có khuyến mãi”. Vì thế, để tiết kiệm chi phí, ông đành đi xe máy.

Không chỉ dịch vụ vận chuyển hành khách, giá các dịch vụ khác như đặt đồ ăn, giao hàng cũng có mức phí cao. "Tôi cũng lường trước rồi nhưng quán xôi này gần nhà mà phí giao hàng vẫn cao. Dù rất muốn ăn, nhưng tính ra cước phí gấp đôi đồ ăn, tôi không dám mua nữa", chị Thảo, một khách hàng ở Ba Đình, kể.

Duy Anh

Duy Anh