CEO Nguyễn Công Hoan: “Dịch bệnh COVID-19 khiến tất cả đều quay về điểm xuất phát, đây là thời điểm để Du lịch Việt Nam vượt qua Thái Lan, Singapore”
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 14/10/2021
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours.
Mới đây, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours đã có những chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc nhằm đánh giá lại vị trí, đồng thời đưa ra một số quan điểm mới cho ngành Du lịch trước bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
- Việt Nam đã đối mặt với 4 làn sóng dịch bệnh COVID-19 trong suốt 2 năm qua, là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch, theo ông, ngành Du lịch thời điểm này đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?
Du lịch Việt Nam đang đứng trước 3 khó khăn lớn. Khó khăn thứ nhất là về tài chính, qua 4 đợt dịch bùng phát, chúng ta đã phải "đóng-mở" liên tục, không thể đón khách du lịch quốc tế, du lịch nội địa cũng giảm sút nên doanh thu của ngành gần như không có.
Kinh phí để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Du lịch rất lớn, trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngành Du lịch vừa qua chưa thực giải quyết căn cơ, phù hợp và đúng tính chất của ngành Du lịch.
Ví dụ như, chính sách miễn giảm thuế không có ý nghĩa bởi DN không có thu nhập trong gần 2 năm qua. Kể cả chính sách cho vay ưu đãi cũng chưa có một chính sách nào phù hợp với các DN du lịch. Một dẫn chứng nữa là chính sách hỗ trợ giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội chỉ quy định tối đa trong 12 tháng, trong khi đó, ngành Du lịch đã ảnh hưởng từ tháng 4,5 năm 2020, đến nay đã quá hạn nhưng chưa một DN nào quay lại kinh doanh tạo ra thu nhập, quá thời gian này nếu không tiếp tục đóng thì DN sẽ bị phạt nộp lãi suất trả chậm.
Khó khăn thứ hai đó là cho đến thời điểm này, DN chưa thể đánh giá một cách chính xác thời điểm nào có thể phục hồi. Chưa có thông điệp nào cho thấy thời điểm chúng ta có thể phục hồi kinh tế để từ đó lên kế hoạch kinh doanh.
Khó khăn thứ ba đó là, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi du lịch, thị trường du lịch. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn rằng nhiều DN sẽ hết sức băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, sản phẩm du lịch như thế nào để phù hợp với xu hướng, tâm lý và nhu cầu du lịch của khách hàng.
Ai cũng biết có sự thay đổi nhưng thay đổi theo hướng như thế nào thì chắc chắn không DN nào biết chính xác, đó là điều rất mông lung.
Về bản chất, Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp rất nhiều ngành, dịch vụ khác nhau. Đối với riêng DN lữ hành như Flamingo Redtours chủ yếu vẫn là kết nối các dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn, nơi tham quan, mua sắm…Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi cũng chỉ mới nắm bắt được một phần từ phía mình, chưa thể biết được các ngành khác đang phục hồi như thế nào để lên kế hoạch kết nối lại.
- Trước bối cảnh khó khăn đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đang xây dựng một Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025, theo ông, dự thảo này nên nhấn mạnh về những vấn đề nào?
Theo quan điểm của tôi, chúng ta vẫn phải xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi, khả năng mang lại nguồn việc làm, thu nhập, của ngành Du lịch rất lớn. Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng về du lịch như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, yếu tố truyền thống… Bên cạnh đó, chúng ta có nguồn lao động rất lớn có mức thu nhập bình quân thấp, rất phù hợp với những ngành dịch vụ cần số lượng lớn lao động.
Chúng ta phải xác định việc đó vì nếu không xác định thì sẽ không có nguồn lực đầu tư, không có kinh phí để chúng ta duy trì chờ phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Thứ hai, chúng ta cũng nên có sự thay đổi quan điểm về ngành du lịch, không chỉ là lữ hành, là tour du lịch nữa mà phải đa dạng hóa hơn. Du lịch là ngành cung ứng dịch vụ nhằm tái tạo năng lượng, do đó, chúng ta phải đa dạng hơn về quan điểm, đó là không đơn thuần chỉ là ăn, ngủ, nghỉ, đi tham quan…có như vậy thì mới phát huy được tối đa nguồn lực, cung cấp được những dịch vụ có thể đáp ứng được sự thay đổi của thị trường du lịch Việt Nam và thế giới thời kỳ hậu COVID-19.
Bên cạnh với đa dạng hóa dịch vụ du lịch thì đây cũng chính là thời điểm chúng ta phải "đi tắt đón đầu". Trước đây, chúng ta vẫn đánh giá Việt Nam là nước đi sau một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra tất cả những đánh giá đó gần như bị xóa, tất cả các quốc gia đều phải quay về điểm xuất phát, lúc này mọi quốc gia đều như nhau. Đây chính là thời điểm mà chúng ta phải bứt phá mạnh mẽ hơn.
Chúng ta hoàn toàn có thể có bước tiến mạnh mẽ, vượt luôn các nước kia nếu chúng ta đưa ra được giải pháp tốt, tạo ra những chủ đề, hướng đi riêng, tranh thủ được lợi thế của mình để có thể làm nổi bật lên. Không phải theo lộ trình như trước kia, năm nay hoặc năm sau như thế nào bởi thực chất thì kế hoạch phát triển ngành Du lịch trước đây của chúng ta đến thời điểm này gần như đã không còn phù hợp nữa.
Một vấn đề khác đó là quy hoạch phát triển du lịch, chúng ta trước đây đang xác định theo hướng các sản phẩm như du lịch biển, văn hóa, ẩm thực… Tuy nhiên, giờ đây chúng ta buộc phải thay đổi và cần đưa ra được nhiều quan điểm. Muốn làm được điều này, ngành Du lịch cần đưa ra dự đoán trên cơ sở nghiên cứu, tính toán rõ xu hướng trong thời gian tới để thay đổi.
Chúng ta đang nói rất nhiều về cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, rõ ràng đây là xu hướng phát triển chung của thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Theo quan điểm cá nhân tôi, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam chúng ta cần áp dụng luôn việc này vào chứ không cần lộ trình từng bước nữa.
Đối với quan điểm ngắn hạn, trước đây chúng ta đã xác định phát triển tập trung vào du lịch in-bound, phát triển thị trường xa, có khả năng chi trả lớn như châu Âu, Úc, Mỹ…, có giai đoạn chúng ta quên đi thị trường trong nước, khu vực. Nhưng qua đại dịch này, chúng ta phải xác định lại là nội địa vẫn là du lịch bền vững, có thể phục hồi ngay. Tiếp đó mới tính đến các quốc gia nội vùng và cần một thời gian nữa thì mới tính đến việc đón khách từ thị trường xa như trước kia. Chúng ta phải thúc đẩy lại những thị trường mà trước đây chúng ta cảm thấy bão hòa. Trước mắt, để duy trì trong thời gian ngắn hạn buộc chúng ta phải xác định như vậy.
Muốn làm được vậy, chúng ta phải có sản phẩm khác hơn, mới hơn. Đối với Du lịch trong nước, trong thời gian dài, chúng ta chỉ có du lịch biển, văn hóa, nghỉ dưỡng…giờ phải mở rộng thêm khám phá thiên nhiên, môi trường, đồng quê, miền núi…đây là lĩnh vực trước đây chỉ dành cho một số nhóm nhỏ khách trẻ tuổi, thích trải nghiệm.
Tiếp theo nữa đó là quan điểm về thị trường du lịch. Sau những diễn biến vừa qua, có thể thấy rằng, các đô thị lớn dường như không còn là "thị trường vàng" nữa.
Trước đây, chúng ta xác định thị trường khách du lịch chủ yếu vẫn ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đô thị hiện nay còn bất ổn hơn ở những địa phương đang duy trì được sản xuất truyền thống… họ bị ít ảnh hưởng nên khả năng phục hồi kinh tế nhanh hơn ở đô thị.
Nếu xác định họ là thị trường tiềm năng, chúng ta phải xây dựng dòng sản phẩm phù hợp với thị trường này, đây có thể là một nguồn thu giúp cho cho doanh nghiệp duy trì qua thời điểm khó khăn của đại dịch COVID-19.
- Như ông vừa nói, Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025 cần áp dụng ngay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi là chuyển đổi số. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
Trong bối cảnh hiện nay, tất cả các ngành đều phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ không riêng gì du lịch. Riêng đối với ngành Du lịch, chúng ta có thể ứng dụng trên nhiều góc độ.
Thứ nhất là góc độ nghiên cứu thị trường và truyền thông, trước đây chúng ta vẫn hay dùng biện pháp thông thường như bảng câu hỏi, công nghệ đơn giản để thăm dò thị trường. Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng trí tuệ nhân tạo, bigdata trong lĩnh vực này thì chúng ta sẽ sử dụng công nghệ để đánh giá nhu cầu một cách sát hơn, chính xác hơn.
Cũng chỉ có công nghệ mới giúp DN quảng cáo marketing nhanh và mạnh, phủ kín được các đối tượng muốn tiếp cận, chứ chỉ riêng biện pháp thông thường quá chậm, tính hiệu quả rất thấp.
Góc độ thứ hai là về sản phẩm, trước đây chúng ta chỉ xác định du lịch là đi thăm, đi xem thực tế, nhưng khi ứng dụng công nghệ vào thì sản phẩm sẽ hấp dẫn, đa dạng hơn. Trong sản phẩm du lịch có cái thực, cái ảo… ví dụ như thăm một di tích, chúng ta chỉ có thể xem được những dấu tích hiện tại nhưng nếu dùng công nghệ 3D sẽ tái hiện được tất cả. Ngoài ra, có những thuyết minh sẽ không cần phải hướng dẫn viên nữa mà là công nghệ.
Thứ 3 đó là đưa công nghệ vào tương tác trong khách hàng như đặt vé, thanh toán, trả lời online…nhằm hạn chế giao tiếp trực tiếp. DN chúng tôi đang xây dựng hệ thống bảng hỏi để mọi câu hỏi của khách hàng được trả lời tự động, không nhất thiết khách hàng có thắc mắc gì cũng phải đến công ty, hay gọi điện trực tiếp cho nhân viên nữa. Mục tiêu là hướng đến xử lý các công đoạn của chuỗi cung ứng sản phẩm một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thông qua công nghệ.
Cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong nội bộ của DN như việc điều hành, quản lý nội bộ. Vấn đề này thì nhiều DN đã làm rồi.
- "Hộ chiếu vaccine" đang được xác định là giải pháp căn cơ nhất để khôi phục lại nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực Du lịch, ông có ủng hộ về giải pháp này?
Tôi tin rằng, không chỉ cá nhân mình mà nhiều người khác đang hoạt động trong ngành du lịch đều hiểu được đây là giải pháp căn cơ và bền vững. Nhiều chuyên gia y tế chỉ ra rằng, dịch bệnh sẽ không thể mất đi, thay vào đó mỗi quốc gia phải tăng cường khả năng đề kháng, miễn nhiễm của người dân bằng cách tiêm vaccine.
Đối với riêng lĩnh vực Du lịch, do không phải là dịch vụ thiết yếu mà phải dựa trên sự thoải mái, yên tâm thì khách hàng mới sử dụng, trong bối cảnh này thì chỉ có vaccine, cộng thêm một số biện pháp 5K mới mang lại sự yên tâm cho khách hàng.
Cá nhân tôi cũng cho rằng, không chỉ là vaccine mà còn phải vaccine "cộng", bởi các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 liên tục thay đổi buộc chúng ta cũng cần phải cập nhật để tiêm bổ sung.
Chỉ có tâm lý, tinh thần ổn định thì ngành Du lịch mới phát triển bền vững được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!